Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổng chào cho SEA Games 22

THANHNGA| 11/11/2003 16:11

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, SEA Games 22 sẽ chính thức được tổ chức long trọng tại Việt Nam. Mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội thể thao, văn hoá này đã gần như hoàn tất. Song, có một vấn đề thiết nghĩ cần được xúc tiến và có thể nhanh chóng thực hiện là việc xây dựng cổng chào SEA Games trên các tuyến đường ra vào thành phố.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, SEA Games 22 sẽ chính thức được tổ chức long trọng tại Việt Nam. Mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội thể thao, văn hoá này đã gần như hoàn tất. Song, có một vấn đề thiết nghĩ cần được xúc tiến và có thể nhanh chóng thực hiện là việc xây dựng cổng chào SEA Games trên các tuyến đường ra vào thành phố.

Trong thời đại mới, cửa vào TP không chỉ trên các đường bộ mà còn là sân bay quốc tế hay cảng biển. Cổng thành, cổng làng, tam quan đình, chùa cho tới khải hoàn môn...dù có cửa hoặc không, nhưng tất cả các cổng đều xác định một lối ra vào chính thống.

Gây ấn tượng đầu tiên cho khách khi vào biên giới một nước hay vào một thành phố là bộ mặt các cửa ngõ. Nhưng phải chăng ngày nay những hình ảnh đó quá mờ nhạt, vẫn chưa tạo ra được nét riêng cho mình. ý tưởng xây dựng một cửa ô hay khải hoàn môn có lẽ khó hoàn thành đúng dịp SEA Games 22. Nhưng việc xây dựng một cổng chào là điều cần thiết. Theo từ điển tiếng Việt, nội hàm của thuật ngữ này được xác định là “Cổng chào là vật trang trí hình giống cái cổng dựng lên trên lối đi để chào mừng nhân một dịp trọng thể”.

Cũng bởi tính chất thời điểm của nó nên chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng cổng chào lớn ở phía nam Thăng Long - Hà Nội, cùng với hệ thống các cổng chào đồng nhất về kiến trúc, màu sắc, hình dáng...tại các thành phố nơi sẽ diễn ra các môn thi đấu của SEA Games 22. Với TP Hà Nội - nơi diễn ra cả lễ khai mạc và bế mạc SEA Games thì có thể xây dựng nhiều cổng chào ở các tuyến vào thành phố. Chính cổng chào sẽ là công trình kiến trúc, mới mẻ, dễ làm, dễ gây ấn tượng cho du khách thêm hứng thú khi bước vào tham quan thành phố, nếu được xây dựng chu đáo, nổi bật biểu tượng chính thống nhất với đường nét, màu sắc phối hợp hài hoà thì còn có tác dụng rất đáng kể trong việc quảng bá văn hoá Việt Nam qua con mắt bạn bè quốc tế..

Những logo dự tính cho cổng chào Việt Nam:

Con rồng: gắn với truyền thuyết con rồng cháu Tiên của Việt Nam

Trống đồng Đông Sơn: gợi nhớ thời kì lịch sử xa xưa của riêng dân tộc Việt Nam

Chiếc nón lá: cùng với chiếc áo dài làm nên hình ảnh đẹp đầy chất thơ của phụ nữ Việt Nam.

Nhiều mẫu biểu tượng khác có thể nghiên cứu, tập trung là hình ảnh các khu du lịch, hình ảnh thổ cẩm, mặt trời, cây lúa nước, chùa, cây dừa..

Đặc biệt, mẫu biểu tượng được đánh giá cao nhất là biểu tượng hoa sen, được sản xuất bằng nhiều chất liệu, chạm khắc trên các mặt hàng mỹ nghệ in trên ấn phẩm du lịch...để tặng cho các thành viên tham gia SEA Games, bán cho CĐV, khách du lịch.

Hoa sen: biểu tượng của sự duyên dáng, thanh lịch. Được cả thế giới biết đến như một biểu tượng của giá trị văn hoá và vẻ đẹp châu á, hoa sen sẽ góp phần giúp Việt Nam quảng bá nhiều hơn nền văn hoá Việt với nước ngoài theo đúng phương châm của Đảng và Nhà nước ta: “Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cũng như theo khẩu hiệu của Hãng Hàng không quốc gia “Mang văn hoá Việt Nam đến với thế giới”. Hoa sen là phép ẩn dụ tuyệt vời thể hiện lịch sử đất nước con người Việt Nam, vừa giản dị vừa thanh cao, mang theo thông điệp hoà bình và hữu nghị của Việt Nam tới toàn thế giới.

Những biểu tượng trên có thể còn được thiết kế để xây dựng cổng chào SEA Games trên các tuyến đường ra vào cửa ngõ các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nam Định, Hà Tây, Phú Thọ, Hải Dương, Vĩnh Phúc.

Dự án xây dựng một biểu tượng phải phản ánh lịch sử và nền văn hoá Việt Nam, phải thể hiện nét thanh lịch, nghệ thuật trong tính cách con người Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, có sức thu hút đối với du khách, người nước ngoài có thể cảm nhận được ý nghĩa của biểu tượng. Cần quảng cáo biểu tượng mới trên báo chí trong nước và quốc tế cũng như trên các kênh truyền hình uy tín của thế giới như CNN, Discovery, BBC, TV5, CNBC... và tất nhiên cả VTV.

Theo ông Richard A.Engelhardt - Cố vấn Văn hoá khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO: “Văn hoá là cái chúng ta học được, chứ không phải ở chỗ chúng ta sinh ra”. Mỗi một chi tiết của tháp Ai Cập hay một toà miếu ở Huế đều mang trong nó thông tin văn hoá.

Do vậy, việc hoàn chỉnh hình ảnh mang đậm bản sắc Việt Nam là rất cần thiết ngay trên chính mảnh đất hình chữ S này, để du khách đến và đi, có thể khẳng định rằng đã học được ở nền văn hoá Việt Nam ít nhất là một điều gì đó.

SEA Games 22 sẽ là cuộc trình diễn quốc tế của Việt Nam, khẳng định hình ảnh, tầm vóc của Việt Nam với một nền văn hoá phong phú và hấp dẫn, với những người dân mến khách, thân thiện...Hãy đến với SEA Games 22! Đoàn kết, hợp tác vì hoà bình và phát triển! Việt Nam đang hân hoan chào đón! Khẩu hiệu mời gọi phải đến được tận mọi nhà, khắp năm châu và chắc chắn sẽ thu được hiệu quả thiết thực, to lớn trên nhiều bình diện.

Nguyễn Thu Hoà
(K46 Báo chí- ĐHKHXH & NV Hà Nội)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổng chào cho SEA Games 22

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.