Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong nhịp đập trái tim văn hiến

Tùy bút của Hồ Quang Lợi| 03/05/2012 06:42

(HNM) - Chẳng chờ đến Thu, mùa đẹp nhất của Hà Nội, mới thấy tâm hồn xao xuyến. Xuyên qua tháng Tư, Xuân vừa hết cũng đủ đằm một tình tha thiết không mùa. Tình yêu cho Hà Nội của ta.


1. Trong khung cảnh phát triển của một TP 1002 tuổi vẫn đang lớn từng ngày, làm sao không lo lắng khi thấy không ít nét thanh quý kinh kỳ đang dần mai một, đời sống tinh thần có rạn vỡ, nếp sống có phần pha tạp, xô bồ. Lịch lãm, hào hoa, thanh cao, tinh tế - lẽ nào chỉ là quá vãng “vang bóng một thời”?

Hà Nội tỉnh lập từ năm 1831 trên vùng đất cổ này, là đại diện của nền văn minh sông Hồng, nhưng nền văn hóa Thăng Long có từ ngàn năm nay, đã thành chủ lưu của văn hiến Việt.

Một sớm Hồ Gươm. Ảnh: Xuân Chính


Các nền văn minh lớn của loài người đều hình thành bên những dòng sông lớn. Sông Hồng, sông Cái, sông Mẹ của ta đã chất chứa sinh sôi phù sa cho các miền quê dọc thủy trình, những bãi bờ đồng đất, lớp lớp người nối tiếp và tỏa sáng, dồn bao phù sa tài hoa về chốn Hà thành.

Hà Nội, tên nói lên đặc thù “thành ở trong sông”. Sông Hồng còn có tên Nhĩ Hà, dân gian quen gọi “Nhị Hà”. Nhĩ là tai. Sông như vành tai quanh thành cổ. Ngày cuối tháng Tư này, trong điệp âm muốt trắng của loa kèn bừng rộ, ta như nghe vang ngân long mạch tinh thần. Tinh thần phù sa Thăng Long - linh hồn xứ sở.

Nơi trung tâm địa linh - hồ Hoàn Kiếm, màu xanh của trời, cây, nước, rêu, của lá gọi mây mở một miền Lục Thủy, tên của hồ từ thời Lý - Trần, triều đại hưng thịnh của nền phong kiến Việt Nam, coi Phật giáo là quốc giáo. Chùa Một Cột (Diên Hựu) là hiển thị của tinh thần ấy, xây năm 1049 phỏng theo giấc mộng của Vua Lý Thái Tông. Nhờ linh khí, mắt tôi “mở vọng” qua ba chiều không gian, qua huyền thoại, về nghìn năm trước. Lục Thủy vốn là một khúc sông Hồng, do cát bồi mà thành, rộng tận Hàng Chuối - Lò Đúc ngày nay. Thời Lê mạt, cửa thông ra sông bị lấp, người ta đắp bờ ngăn thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Rồi Hữu Vọng (từ Tràng Tiền đến Hàng Chuối) lại bị lấp, còn Tả Vọng hồ, là Hoàn Kiếm bây giờ.

Viết làm sao xuể tình cảm này, quê hương thứ hai của tôi và của bao người gắn bó đời mình với Thủ đô yêu dấu. Dân các vùng quê về đây tụ cư đã và vẫn hát cùng người Hà thành hùng ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi bằng rung động máu thịt, âm thầm tha thiết: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây/Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội/Hà Nội mến yêu”.

Viết tiếp gì khi danh nho kiệt xuất đất này, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872, người huyện Thanh Trì) hơn 300 năm trước sửa đền Ngọc Sơn, bắc cầu Thê Húc, xây tháp Bút trên mô đá Ngọc Bội, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh). Qua thập niên đầu của thế kỷ XXI, vẫn chưa thấy tác phẩm tầm cỡ - đẹp vóc dáng, lộng sáng tinh thần - ra đời để sánh với tiền nhân.

10 năm trước, khu di chỉ Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình) phát lộ. Các di vật ở đó và từ các cuộc khai quật khảo cổ trong thành cổ đến ngoại thành, chỉ là một phần quá khứ dưới lòng đất của Thủ đô hiện tại. Thăng Long chứa ẩn thành Đại La, dấu tích của vùng đất huyền thoại của thành Cổ Loa - với những hiện vật, di chỉ từ tiền sử đến thời Bắc thuộc (thường được gọi là “tiền Thăng Long).

Lịch sử nối tiếp thế hệ người, thế hệ công trình, các loại hình nghệ thuật. Xương cốt tan hòa vào đất, kiến trúc bị tàn phá, mai một do biến cố xã hội, chiến tranh hay sự tàn phá của con người. Biến mất, biến dạng hay phế tích, cũng là hệ cứ liệu vật chất quý báu với chúng ta. Thăng Long tứ trấn có các đền thờ nổi tiếng: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh.

Trong tứ linh “Long ly quy phụng” của văn hóa phương Đông, Hà Nội có tên Thăng Long và nhiều kiến trúc hình rồng. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam xây từ năm 1070 (cùng thế kỷ với ĐH danh tiếng Sorbonne nước Pháp) có 82 bia đá tiến sĩ đặt trên lưng rùa đá - bằng chứng sự nghiệp giáo dục liên tục hơn 3 thế kỷ triều Lê. Hà Nội có cụ Rùa bách niên trong lòng hồ thiêng mà tôi có dịp trực tiếp theo dõi việc cứu chữa Cụ (Thu 2011) cùng các GS Phan Huy Lê, Hà Đình Đức và các chuyên gia.

Niên đại của nền văn hiến, theo khoa học lịch sử, phải chứng minh được qua hiện vật, di chỉ. Những công trình kiến trúc cổ xưa của đất này nhỏ về quy mô, ít về số lượng, nhưng tất cả đã ăn sâu vào tâm thức ta thành bảo chứng bất biến, vững bền của niềm tự hào truyền đời.

Nơi kinh thành này, còn lại cửa Bắc (Diệu Đức) của Hoàng thành, ô Quan Chưởng (Đông Hà môn), còn những cái tên mà công trình đã mất: Cửa Nam, Cửa Đông, ô Chợ Dừa, ô Đống Mác, ô Cầu Giấy. Người Pháp xưa kiến trúc đô thị Hà Nội với hệ thống đường, phố và cống ngầm cho TP 500 ngàn dân, nay Hà Nội mở rộng đã gần 7 triệu. Thành phố ngày càng náo động, ồn ã và tăng hỗn tạp, là thực tế gây sửng sốt. Sự bức bối đang dồn tụ từng ngày!

Ở Bách Thảo, có gò đất xanh cỏ cây, dân quen gọi núi Nùng, một nhầm lẫn kéo dài. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, núi Nùng nằm trong Hoàng thành, trên xây Điện Kính Thiên có hàng rồng đá, là cổ tích xưa nhất mà người nay được thấy của kinh đô ngàn năm.

2. Hoài niệm chồng lớp. Lật ký ức văn hóa về 200 năm trước khi đọc lại bài thất ngôn tứ tuyệt Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan Nguyễn Thị Hinh (1805-1848), người con gái làng hoa Nghi Tàm. Thành xưa đắp đất, sau xây gạch gọi Long thành, Long Phụng thành. Đoạn đường Bưởi - Hoàng Hoa Thám bên sông Tô Lịch bây giờ là một phần thành còn lại.

Dân “tứ chiếng” các vùng đổ về tụ cư, tề tựu những tay thợ bậc cao, hợp thành các phường nghề. Chỉ Hà Nội mới có “36 phố phường”. Sự hội tụ dân cư của chốn Kẻ Chợ thể hiện qua nhiều ngôi đình cổ giữa phố phường đông đúc, đưa nét đẹp làng quê vào chốn đô hội, phồn hoa. Những làng nghề cổ Yên Thái (làm giấy), Ngũ Xã (đúc đồng), làng hoa Ngọc Hà, Quảng Bá, Nhật Tân dẫu mất hay còn nghề, cũng vẫn lưu văn chỉ, nhà thờ họ, miếu cổ, đình cổ hòa sắc thái cổ kính đẫm chất dân gian văn minh lúa nước trong không khí kinh kỳ ngày càng lấn lướt tốc độ đô thị công nghiệp.

Bài thất ngôn tứ tuyệt bất hủ, tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta Nam quốc sơn hà cũng của người con đất này - danh tướng, Thái úy Lý Thường Kiệt (1019-1105), đã thành thiên cổ hùng văn muôn đời.

Đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du   (1765-1820, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Nguyễn Trãi (quê Thường Tín, Hà Tây, nay là Hà Nội) có phần đời đẹp nhất rạng rỡ nhất gắn với Thăng Long.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - niềm kiêu hãnh của làng Quỳnh, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An quê tôi cũng được sinh tại đất Nghi Tàm, trưởng thành ở Hà Nội và mộ còn trong lòng hồ Tây. Tương truyền bà và Nguyễn Du đã có nhiều cuộc tao ngộ thi đàm bên hồ huyền thoại.

Long thành cầm giả ca (bài thơ về người gảy đàn thành Thăng Long) là một thi tác cảm động mà Đại thi hào dành cho kinh đô. Từ đây, nhà biên kịch  Văn Lê đã viết nên kịch bản điện ảnh (giải nhất cuộc thi viết kịch bản 1000 năm Thăng Long) và đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn đã trở lại quê nhà Hà Nội, làm bộ phim đầy chất thơ và mỹ cảm. Cùng tên với nguyên tác, Long thành cầm giả ca công chiếu trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long, tác phẩm điện ảnh xuất sắc của nền ĐAVN đương đại làm về Hà Nội, đã nhận Cánh diều Vàng 2010. Bộ phim này đáng được xếp vào hàng kinh điển trong các sáng tác về Hà Nội, mảng điện ảnh, sau Em bé Hà Nội (ĐD, NSND Hải Ninh, bối cảnh Hà Nội 1972).                                    

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong nhịp đập trái tim văn hiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.