Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Trong dòng chảy văn hóa

Đức Huy| 10/10/2012 07:19

(HNM) - Tròn một tháng qua, nhóm phóng viên Hànộimới đã cố gắng tiếp cận lề lối ứng xử của người Hà Nội hiện đại, phản ánh sự biến đổi trong mối liên hệ với những thay đổi về kinh tế - xã hội - văn hóa.


Loạt bài đã đăng, dù là có dung lượng "hơn mức bình thường" thì cũng không thể bao gói đầy đủ những gì đang diễn ra, cả mặt tốt và hạn chế trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay. Có những mặt hạn chế chưa được đề cập đến, hoặc là chưa được phân tích đầy đủ, chẳng hạn như cách thức ứng xử của người Hà Nội với môi trường tự nhiên, về đạo đức kinh doanh, ứng xử với di sản văn hóa. Có nhiều cách làm hay, nhiều gương sáng về ứng xử thanh lịch chưa được nêu một cách cụ thể. Những gì đã được phân tích thiên về ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, chưa đề cập đến thái độ đối với bản thân của các cá nhân, mà người xưa gọi là xử kỷ.


Giữ gìn và phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế để văn hóa ứng xử của người Hà Nội ngày càng phù hợp với dòng chảy hiện đại.Ảnh: Nhật Nam

Tuy thế, những gì đã được phản ánh có thể gợi mở một cách nhìn có tính hệ thống về vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, bao gồm cả yêu cầu về một cách tiếp cận phù hợp hơn khi thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống cơ chế chính sách về văn hóa nói chung và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng. Nó cho thấy điều gì?
*
* *
Thanh lịch là một phẩm chất thuộc phạm trù văn hóa, được hình thành trong môi trường kinh tế - xã hội cụ thể, vận động biến đổi không ngừng, luôn rõ tính thời đại. Như nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân nhận xét, lối ứng xử truyền thống của người Hà Nội có sự giao thoa với văn hóa phương Tây, từ khi Hà Nội bị thực dân Pháp tạm chiếm. Văn minh phương Tây đã làm thay đổi khá nhiều mặt của đời sống xã hội. Lối sống chuyển hóa cho phù hợp, ít nhiều làm phai nhạt một số giá trị truyền thống. Kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công, tiểu thương tiểu chủ… là nền tảng dần chuyển sang công nghiệp và dịch vụ.

Nếu coi thời kỳ thuộc Pháp là dấu mốc ghi nhận sự biến đổi lớn đầu tiên, thì trong khoảng hơn một thế kỷ qua, có lẽ lối sống người Hà Nội đã có hai bước chuyển quan trọng gắn với thời thuộc địa và giai đoạn đổi mới, hội nhập sâu rộng. Thực chất, đó là sự thay đổi về mặt kinh tế - xã hội mang tính căn bản mà hệ quả tất yếu là sự thay đổi về văn hóa, trong đó văn hóa ứng xử của người Hà Nội chuyển từ chỗ coi trọng xử kỷ đến ưu tiên cung cách ứng xử với cộng đồng xã hội thông qua sự điều tiết của luật pháp. Sự thay đổi thể hiện trong quá trình giao tiếp, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng văn hóa, ứng xử nơi công cộng cũng như trong công sở, trong gia đình và ngoài xã hội. Có cả mặt tốt và sự hạn chế, thậm chí là hệ giá trị mới không dễ gì tiếp cận đúng nếu sự vật, hiện tượng không được giải mã một cách khách quan, khoa học.

Đã có nhiều ý kiến của bạn đọc, từ nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, nhà giáo đến công dân Thủ đô nói chung lên tiếng về sự thay đổi trong cách ứng xử của người Hà Nội. Có người bức xúc về thực trạng, có người muốn tìm nguyên nhân, gợi ý giải pháp. Những ý kiến của bạn đọc đã được chọn đăng trên Báo Hànộimới, có những điều tưởng đã biết, mặc nhiên được coi là quan trọng nhưng trong thực tế chưa được quan tâm một cách đúng mức, nay nói ra khiến ai cũng bất ngờ về tính chính xác, cô đọng và gần gũi. Như "bốn điều người Hà Nội cần biết" mà nhà giáo Nguyễn Hồng Mai đã viết cho Hànộimới, rằng người Hà Nội phải biết sợ, biết nể, biết nhịn và biết ngượng, ai cũng có bốn điều ấy thì Hà Nội đâu còn nhiều sự trớ trêu. Những lý do về sự chậm trễ, sự loay hoay tìm kiếm nguyên nhân, giải pháp, hoàn thiện tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có khi bị "đánh đổ" một cách đơn giản không ngờ.
*
* *
Văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại hẳn nhiên là đã khác trước và cần phải khác trước. Sự thay đổi ấy đặt ra yêu cầu nhìn nhận lại cả về tiêu chí và cung cách thực hiện giải pháp xây dựng người Hà Nội trong giai đoạn mới. Chẳng hạn như việc giáo dục lối sống, nếp sống, văn hóa ứng xử cần có sự đổi mới, hướng đến sự tiếp nhận chủ động, cả trong gia đình và nhà trường, thay vì áp đặt một chiều là sự gợi mở trao đổi, phản biện dựa trên bài học thực tế cuộc sống. Truyền thống bao gồm những điều cụ thể, nếp cũ có cả điều tốt và hủ tục, sự tương tác trong quá trình tuyên truyền, giáo dục sẽ tạo hiệu quả hơn so với cách thường thấy là một phía truyền đạt và phía còn lại chỉ biết lắng nghe.

Có thể nêu ra một số điểm sau:
1- Thanh lịch hiện đại gắn với đời sống văn hóa thị dân hiện đại, phải lấy việc chấp hành luật pháp làm đầu.

2- Muốn người Hà Nội thanh lịch hiện đại thì phải tạo được cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt đáp ứng đời sống văn hóa phong phú.

3- Cần xây dựng tiêu chí văn hóa ứng xử cụ thể, phù hợp với từng lĩnh vực đời sống đô thị, như văn hóa trường học, công sở, giao thông, thương mại, dịch vụ, quảng cáo…

4- Việc triển khai thực hiện hệ giải pháp cho vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần có sự đồng bộ, thiết thực, tránh sự hời hợt và bệnh thành tích.

Yêu cầu đổi mới không cho phép duy trì sự tác động theo lối cũ, đặt ra đòi hỏi về một chính sách phát triển văn hóa mang tầm chiến lược trong giai đoạn mới dựa trên cách tiếp cận khoa học để chính sách đủ sức bao quát, dự báo xu hướng và những vấn đề phát sinh. Cách tiếp cận ấy, nói như PGS.TS Phạm Quang Long là coi Hà Nội như một không gian văn hóa - lịch sử - xã hội - kinh tế được hình thành trong quá trình biến đổi liên tục, có những đặc điểm riêng ở từng giai đoạn và phải dựa vào đó để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.

Nhìn sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với sự vận động tất yếu còn là cơ sở để tránh quan điểm "nhất thành bất biến" về văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại, không bi quan và tránh tư tưởng chủ quan.

Không nên suy diễn chủ quan, phiến diện
NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam:


Theo dõi loạt bài "Tiếp cận văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại" trên Báo Hànộimới, tôi thấy nội dung được đề cập có tính hệ thống, logic. Từ mạch nguồn văn hóa đến những va đập khó tránh đều được diễn giải cụ thể. Những đổi thay, sự song hành của mặt được và chưa được trong cung cách ứng xử, lời ăn tiếng nói, lối suy nghĩ… của các nhóm xã hội, những ngành, lĩnh vực khác nhau được đề cập trong loạt bài không chỉ có ý nghĩa thông tin, mà còn mang tính định hướng. Rõ ràng là việc tạo dựng, củng cố nét thanh lịch, văn minh phải được làm thường xuyên, tích cực, nghiêm túc và bắt đầu bằng những việc tưởng chừng như rất nhỏ trong cuộc sống hằng ngày để tạo thành nếp quen.

Báo chí cần xây dựng những chương trình tuyên truyền về lối sống văn hóa theo hướng phát hiện, nhân rộng điển hình tốt, lấy cái tốt để củng cố, dẫn dắt… Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2015 là mỗi người đều trở thành những công dân tiêu biểu, những người dân Thủ đô thanh lịch, văn minh. Muốn thế, Hà Nội cần xây dựng nếp sống văn hóa từ mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và phải rõ nét đặc trưng riêng, gắn với chuyên môn, nghiệp vụ… Phải làm sao để việc xây dựng nếp sống văn hóa trở thành nhu cầu của mỗi tổ chức, cá nhân; làm sao để mỗi tổ chức ấy phải biết tự hào rằng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, chứ không chỉ là trang hoàng trụ sở, nhân viên ăn mặc đẹp…

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội:

Sau khi đọc loạt bài "Tiếp cận văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại" đăng tải trên Báo Hànộimới, tôi đã bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề liên quan. Song, ở góc độ quản lý, tôi muốn nhấn mạnh tới trách nhiệm liên đới của các ngành trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nếu chỉ có ngành văn hóa vào cuộc thì rất khó giải quyết được tình trạng vứt rác bừa bãi, dán quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định, hàng quán lấn chiếm vỉa hè… Xây dựng hành vi ứng xử văn hóa phải bắt đầu từ những việc nhỏ của nhiều ngành, chẳng hạn muốn có văn hóa giao thông thì ngành giao thông cũng cần đào tạo người lái xe văn hóa, người công nhân làm đường có trách nhiệm chứ không thể có chuyện nay đào mai bới, rồi để nắp hố ga cao hơn so với mặt đường như hiện nay… Chỉ cần thiếu sự vào cuộc của một ngành nào đó thì hành vi ứng xử của con người sẽ còn thiếu sự chuẩn mực.

Trong thời gian tới, Sở VH,TT&DL Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo quy mô lớn về văn hóa ứng xử, trong đó có cả sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài để có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan.

PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam:

Tôi thấy cái lõi của văn hóa Hà Nội vẫn còn, đó mới là điều quan trọng nhất. Không nên vì một số trường hợp mà suy rộng ra, coi đó là bản chất văn hóa ứng xử của người Hà Nội, như thế sẽ dẫn tới chủ quan, phiến diện. Hơn lúc nào hết, văn hóa ứng xử của người Hà Nội thời hiện đại cần phải được tiến hành nghiên cứu trên cơ sở phỏng vấn, điều tra xã hội học kết hợp cùng ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa. Bên cạnh đó, hành vi, quy tắc ứng xử của cá nhân, cộng đồng cần được quy định cụ thể hơn trong quy ước, hương ước, tránh sự chung chung, na ná nhau, không rõ mức phạt, không quy trách nhiệm cụ thể… Tất nhiên các quy tắc, tiêu chí về văn hóa ứng xử phải phù hợp với cuộc sống hôm nay, chứ không thể sử dụng các quy tắc có từ thời phong kiến.


Hồng Hạnh - Thu Hiền ghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Trong dòng chảy văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.