Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân

Hoàng Minh| 11/10/2018 07:04

(HNM) - “Từ khi bà Nguyễn Thị Bình mất (năm 2007) đến nay, tôi chưa làm hồ sơ đề nghị hưởng tiền trợ cấp 1 lần và mai táng phí (hồ sơ tiền tuất). Nhưng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng lại khẳng định tôi đã nhận đủ tiền tuất của bà từ năm 2007...”.


Bà Nguyễn Thị Bình - mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Liệu, có hộ khẩu tại cụm 4, xã Hồng Hà và là cô ruột của ông Nguyễn Hữu Sơn. Năm 1999, bà Bình lên thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) ở với con gái. Tháng 5-2007, sau khi bà Bình qua đời, ông Sơn đã mang Giấy khai tử (do UBND phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ cấp) về nộp cho ông Phạm Văn Chiến, cán bộ thương binh xã hội UBND xã Hồng Hà (nay là Phó Chủ tịch UBND xã) và dừng nhận trợ cấp hằng tháng từ đó.

Đến năm 2016, khi bố ông Sơn (người có công với cách mạng) mất, gia đình được hưởng tiền tuất. Lúc này ông Sơn mới biết gia đình bà Bình cũng được hưởng chế độ tuất. Đem thắc mắc hỏi UBND xã Hồng Hà về chế độ của bà Bình, ông Sơn nhận được câu trả lời "không có".

Không đồng ý với trả lời của UBND xã, ông Sơn làm đơn gửi các cơ quan chức năng để hỏi chế độ tiền tuất của bà Bình. Ngày 6-10-2016, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Đan Phượng có Văn bản số 365/LĐTB&XH trả lời: Ngày 22-8-2007, ông Sơn được gia đình bà Bình ủy quyền làm hồ sơ tiền tuất.

Ngày 13-9-2007, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) đã ban hành Quyết định số 2445 về trợ cấp đối với thân nhân người có công với cách mạng từ trần với tổng số tiền 6.882.000 đồng. Ngày 22-11-2007, ông Sơn là người trực tiếp nhận số tiền trên...

Tuy nhiên, khi được tiếp cận bộ hồ sơ tiền tuất của bà Bình do Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho sao lục, ông Sơn “giật mình” thấy toàn bộ chữ viết, chữ ký trong hồ sơ không phải chữ viết của mình. Đáng nói, bà Bình qua đời ở tỉnh Phú Thọ nhưng trong Giấy chứng tử do UBND xã Hồng Hà cấp (kèm trong hồ sơ) lại ghi qua đời "tại gia đình ở cụm 4, xã Hồng Hà”? Biên bản ủy quyền nhân thân người có công có chữ ký của 5 chị em ông Sơn nhưng cả 5 người đều khẳng định chưa ký vào biên bản ủy quyền nào.

Về việc này, ông Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết: Kiểm tra sổ sách lưu tại xã cho thấy ông Sơn đã làm hồ sơ đề nghị giải quyết và lĩnh tiền tuất của bà Bình từ năm 2007. Còn bộ hồ sơ ông Sơn cho rằng bị làm giả để chiếm đoạt tiền tuất, UBND xã không đủ thẩm quyền giải quyết.

Theo kết quả xác minh của Công an huyện Đan Phượng, chữ ký, chữ viết dòng họ tên Nguyễn Hữu Sơn trên danh sách chi trả trợ cấp ưu đãi 1 lần, 2 giấy báo lĩnh tiền trợ cấp (tháng 11-2007) là chữ do cùng một người ký và viết ra.

Trong quá trình làm hồ sơ tiền tuất của bà Bình, ông Phạm Văn Chiến, cán bộ thương binh xã hội UBND xã Hồng Hà lúc đó đã "viết hộ" toàn bộ đơn, giấy tờ liên quan; “làm hộ” Giấy chứng tử mang tên bà Nguyễn Thị Bình ghi ngày 27-8-2007; "Biên bản ủy quyền nhân thân người có công" lập ngày 22-8-2007 lưu hồ sơ tiền tuất của bà Bình là không đúng quy định...

Ông Sơn cho rằng kết quả xác minh của Công an huyện Đan Phượng có nhiều điểm vô lý, chưa được làm rõ, như: Tại sao UBND xã Hồng Hà phải “làm hộ” Giấy chứng tử cho bà Bình? Biên bản ủy quyền nhân thân người có công được cho là không đúng quy định, nhưng chưa cơ quan nào xác minh ai làm ra biên bản này?...

Thiết nghĩ, nếu vụ việc không sớm được giải quyết dứt điểm thì tiền tuất của bà Bình không biết rơi vào tay ai?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.