Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để lễ hội thực sự văn minh

Hằng - Dung| 19/02/2019 06:51

(HNM) - Tổ chức lễ hội trang trọng, văn minh, an toàn, tiết kiệm luôn là mục tiêu hướng đến của các đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, công tác quản lý lễ hội ở một số địa phương vẫn chưa nghiêm... khiến du khách phiền lòng.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) có nhiều hoạt động hấp dẫn du khách.


Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội:
Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực

Nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Hà Nội, đầu năm 2019, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 469/KH-SVH&TT về việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Để việc tổ chức lễ hội thực sự văn minh, tiết kiệm, trang trọng, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính...

Đặc biệt, ban tổ chức các lễ hội thực hiện việc đặt tiền công đức, tiền lễ đúng quy định; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá. Đến nay, hiện tượng đốt vàng mã, rải, cắm tiền lẻ tại các lễ hội trên địa bàn đã giảm so với những năm trước, song vẫn còn không ít “hạt sạn”. Để lễ hội thực sự văn minh, an toàn, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương siết chặt công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân nêu cao trách nhiệm vì cộng đồng.

Ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai:
Để công tác tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp

Quốc Oai là huyện có nhiều lễ hội xuân, trong đó có lễ hội chùa Thầy thu hút hàng vạn du khách thập phương đến tham dự mỗi năm. Trước thực trạng một số lễ hội trên địa bàn vẫn tồn tại nhiều “hạt sạn”, ảnh hưởng đến hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, làm phiền lòng du khách, UBND huyện Quốc Oai đã tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý những vi phạm đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Ví dụ, với hiện tượng đốt vàng mã, rải tiền lẻ tràn lan, huyện xác định không thể cấm mà chỉ vận động để người dân hạn chế dần với sự phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền của các thành viên ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích, trụ trì các chùa trên địa bàn. Kết quả, 2 năm gần đây, tình trạng trên giảm đáng kể.

Với lễ hội chùa Thầy, một trong những lễ hội trọng điểm của huyện, để công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, huyện đã có kế hoạch xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo, chặt chém du khách; tổ chức bãi giữ xe cách xa khu vực lễ hội; quy hoạch hàng quán nền nếp, trật tự, bảo đảm không gian cho du khách tham gia các hoạt động lễ hội... Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí; khôi phục nghi lễ truyền thống để làm giàu hoạt động trong lễ hội.

Ông Nguyễn Hữu Hiển, Chủ tịch UBND phường La Khê, quận Hà Đông:
Nỗ lực vì một mùa lễ hội văn minh

Thành thông lệ, hằng năm cứ vào các ngày 14, 15, 16 tháng Giêng âm lịch, phường La Khê lại tổ chức lễ hội xuân truyền thống tại Khu di tích lịch sử đình, chùa, Bia Bà La Khê. Nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và du khách đến dự, từ năm 2018 đến nay, Ban Tổ chức lễ hội đã siết chặt công tác quản lý từ khâu bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cho đến việc nghiêm cấm các hành vi đổi tiền lẻ trong khu vực diễn ra lễ hội. Trong khuôn viên di tích, Ban Tổ chức nhắc nhở, hướng dẫn người dân không mang vàng mã lớn và nhiều vàng mã vào cúng, lễ; không rải tiền lẻ ở các ban thờ... Đặc biệt, để giúp người dân thuận lợi trong việc gửi xe khi tham gia lễ hội, từ năm 2018, Ban Tổ chức đã tổ chức trông giữ xe miễn phí cho du khách trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Nét mới trong lễ hội năm 2019 là Ban Tổ chức giao cho Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện phường tổ chức tuyên truyền lịch sử truyền thống Khu di tích lịch sử đình, chùa, Bia Bà La Khê cho du khách.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm:
Nhân rộng mô hình hay

Bên cạnh những hình ảnh chưa đẹp về lễ hội như tình trạng đốt hương nghi ngút, rải tiền lẻ tại các ban thờ, vứt rác bừa bãi, chèo kéo khách ăn uống và mua hàng... làm xấu cảnh quan khu vực, thì tại một số địa phương, nhiều mô hình hay được triển khai một cách văn minh. Như mô hình "3 không" đang được áp dụng tại Khu di tích Bạch Đằng Giang (Thủy Nguyên, Hải Phòng) mà các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin gần đây, gồm: Không phí dịch vụ, không rác thải, không bán hàng quán. Đặc biệt, du khách đến tham quan tại khu di tích này còn được phục vụ nước uống miễn phí. Dù mỗi ngày khu di tích đón hàng nghìn lượt người đến dâng hương, vãng cảnh đầu năm nhưng tất cả đều được đón tiếp chu đáo.

Tại Hà Nội, một số chùa nổi tiếng đã triển khai mô hình trông giữ xe miễn phí, giữ môi trường sạch sẽ. Ví như, chùa Hà (Cầu Giấy) tổ chức trông xe máy miễn phí cho nhân dân, thường xuyên dọn dẹp nên cảnh quan luôn trang nghiêm, sạch sẽ. Tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa), Ban Tổ chức cũng duy trì 2 điểm trông xe từ thiện. Các mô hình hay được triển khai đã và đang góp phần tích cực để có một mùa lễ hội văn minh, an toàn. Mong rằng, các mô hình được nhân rộng, góp phần xóa dần những hình ảnh phản cảm về lễ hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để lễ hội thực sự văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.