Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 28/05/2019 07:48

(HNM) - Mỗi khi hè về, các em học sinh lại háo hức vì sẽ có chuỗi ngày dài vui chơi, giải trí. Song, các con chơi ở đâu, chơi gì cho an toàn, bổ ích, tránh được tai nạn, thương tích... là điều mà phụ huynh lo lắng...

Sân chơi là không gian bổ ích cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Ảnh: Trần Thảo


Nơi "trắng", nơi thiếu

Tìm hiểu thực tế cho thấy, tình trạng thiếu sân chơi diễn ra nhiều ở khu dân cư và tập thể cũ.

Đơn cử, quận Thanh Xuân có 11 phường nhưng đến nay 100% số tổ dân phố không có khu thể thao - nơi vui chơi trẻ em; tại các quận: Hà Đông, Hai Bà Trưng, Ba Đình... nhiều phường "trắng" khu thể thao. Bà Bùi Thị Nga, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông cho biết, do thiếu sân chơi nên gia đình phải cho con, cháu chơi trong nhà, xem ti vi, điện thoại... Hầu hết những khu tập thể cũ như: Phương Mai (quận Đống Đa), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Ngọc Khánh (Ba Đình), Cầu Diễn (Nam Từ Liêm)... đều có khoảng lưu không giữa các dãy nhà, nhưng từ lâu không gian này đã bị lấp đầy bởi các điểm trông giữ xe, bán hàng, chợ "cóc" khiến nhân dân, nhất là trẻ nhỏ không còn chỗ chơi.

Với khu chung cư cũ đã đành, nhưng ngay tại các dự án xây dựng chung cư, đô thị mới, diện tích vườn hoa, công viên... cũng thường bị thay đổi công năng. Tại những tòa chung cư dọc một số tuyến đường Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Nam Trung Yên... theo quy hoạch, các khoảng sân ở tầng 1 là khu vui chơi công cộng, nhưng đa phần bị biến thành bãi để xe và hàng quán. Trong khuôn viên Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (địa bàn quận Cầu Giấy và Thanh Xuân) cũng chỉ có khoảng sân nhỏ (rộng khoảng 200m2) trước nhà văn hóa chung là nơi trẻ có thể vui chơi. Còn lại, mọi khoảng trống trên sân đều được để trông giữ xe, bán hàng...

Ngược lại, nhiều địa phương muốn gây dựng nơi vui chơi cho trẻ nhưng lại không có quỹ đất.

Là địa phương ở vùng lõi đô thị, Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Nguyễn Quý Hợi trăn trở: Việc kêu gọi xã hội hóa xây dựng sân chơi trẻ em không khó, nhưng do quận thiếu quỹ đất công nên "lực bất tòng tâm". Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cung cấp: "Toàn phường hiện có 15 tổ dân phố nhưng chỉ có 3 tổ tận dụng khoảng đất trống trước nhà văn hóa để trẻ em có chỗ chơi với diện tích hẹp. UBND phường đã tính phương án xây dựng mới sân chơi nhưng không còn quỹ đất".

Không chỉ nội thành, tại khu vực ngoại thành, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ cũng xảy ra tại các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức... Trước thực trạng này, nhiều năm qua, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các thôn, tổ dân phố mở cửa nhà văn hóa phục vụ trẻ trong dịp hè. Tuy nhiên, số nhà văn hóa còn thiếu nghiêm trọng (toàn thành phố hiện chỉ có 2.330/2.528 thôn; 1.689/5.452 tổ dân phố có nhà văn hóa), nhiều tổ dân phố phải sử dụng chung nhà văn hóa, trang thiết bị nghèo nàn, nên chưa hấp dẫn trẻ.

Dành sự quan tâm thỏa đáng

Trước những khó khăn về tạo không gian vui chơi cho trẻ trong dịp hè, nhiều địa phương đã nỗ lực tìm các giải pháp phù hợp với thực tế, đặc biệt chú trọng đến nguồn xã hội hóa. Ví như, sân chơi cộng đồng tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai) đã hoạt động trở lại sau hơn 20 năm bị bỏ quên với thú nhún, xích đu, cầu trượt... Cùng thời điểm, sân chơi trẻ em tại ngõ 178 Quan Nhân, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cũng được đầu tư lắp đặt đồ chơi bằng gỗ tự nhiên. Không gian buồn tẻ giữa các tòa nhà trong khu dân cư ở tổ 3 phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) ngày nào nay biến thành nơi sinh hoạt tập thể, với cầu trượt, xích đu cùng những đồ chơi lạ mắt... Bà Bùi Thị Hằng Nga, Chủ tịch UBND phường Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ: Từ năm 2018, phường đã cải tạo toàn bộ 15 sân, xây mới 1 sân chơi cũ với mục đích vừa tạo sân chơi vừa khắc phục tình trạng lấn chiếm sân làm nơi bán hàng, giữ xe.

Tiếp tục gỡ khó, gần đây, nhiều quận, huyện đã đưa ra giải pháp linh hoạt, trong đó chú trọng cải tạo sân chơi cũ, đầu tư xây dựng thêm các khu vui chơi mới cho trẻ em. Ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông cho biết: Mới đây, UBND quận đã chỉ đạo các phường khảo sát các địa điểm có quỹ đất công nằm xen kẹt trong khu dân cư để xây dựng sân chơi. Thời gian tới, quận sẽ lắp đặt thiết bị thể thao ngoài trời tại 16 phường, tổng kinh phí gần 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, quận chỉ đạo các phường chủ động xã hội hóa trong việc tạo địa điểm, thiết bị vui chơi cho trẻ, nhất là tại các tòa chung cư.

Để có thêm không gian dành cho học sinh trong dịp hè năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã, trường học trực thuộc Sở tạo điều kiện cho học sinh được vào ôn tập, đọc sách, báo, tài liệu, hoạt động vui chơi, giải trí, tập luyện... tại thư viện, nhà thể chất, sân vận động, bể bơi... tại các trường. Ngoài ra, Sở yêu cầu các nhà trường chủ động phối hợp với các trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao, các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện pháp lý tổ chức các lớp dạy năng khiếu, văn nghệ, thể dục thể thao, kỹ năng sống cho học sinh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.