Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn chờ... nhà ở giá rẻ

Dạ Khánh| 15/07/2021 06:20

(HNM) - Để thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 20 triệu đồng/m2), từ giữa năm 2020, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Tuy vậy, theo góp ý của Bộ Tư pháp, các chính sách ưu đãi đưa vào dự thảo chưa được quy định trong Luật Đất đai... Như vậy, kế hoạch phát triển nhà ở thương mại giá rẻ lại tiếp tục phải... chờ.

Nhiều căn hộ thuộc dự án chung cư Phú Thịnh Green Park (quận Hà Đông) đang được rao bán với mức giá dưới 20 triệu đồng/m2.

Nhà ở giá rẻ còn khan hiếm

Mặc dù chiếm tới 70% nhu cầu thị trường, song lâu nay nguồn cung nhà ở giá rẻ (có giá dưới 25 triệu đồng/m2) rất khiêm tốn. Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, đa số dự án chung cư mới ở thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có giá từ 30 đến 45 triệu đồng/m2. Nhà ở có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít, hầu như chỉ có ở khu vực xa trung tâm.

Không chỉ mất cân đối về cung - cầu, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau đợt rà soát các dự án bất động sản trên toàn quốc và nhất là tác động của dịch Covid-19..., nhiều dự án nhà ở bị đình trệ, dẫn tới nguồn cung trên thị trường ngày càng ít, nhà ở giá rẻ vì thế cũng khan hiếm hơn. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, trung bình nguồn cung nhà ở mới ra thị trường Hà Nội chỉ đạt khoảng 2.000 sản phẩm/quý, quá ít so với một thành phố gần 10 triệu dân. Thị trường khan hiếm, thậm chí không có căn hộ giá rẻ cũng là thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2020 đến nay, không còn dự án nhà ở có căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, tình trạng khan hiếm nhà ở giá rẻ đã đẩy giá nhà liên tục tăng. Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, những căn hộ phân khúc giá rẻ trước đây đều được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp (30-35 triệu đồng/m2). Với mức giá này, một căn hộ vùng ven hay ngoại thành với diện tích khoảng 70m2 cũng phải trên 2 tỷ đồng. Đây là mức giá quá xa tầm với của người có thu nhập thấp. Tương tự tại Hà Nội, với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng, người mua nhà rất khó có thể tìm được căn hộ giá rẻ ở nội thành. Những căn hộ giá thấp thường chỉ được xây dựng ở các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển. Anh Nguyễn Thanh Minh (công nhân xưởng in phông bạt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng và giá nhà bị đẩy lên như vậy, giấc mơ mua nhà của vợ chồng tôi càng khó thành hiện thực”.

Cần sớm đồng bộ quy định pháp luật

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ Việt Nam Phạm Đức Toản cho rằng, các chi phí cấu thành sản phẩm rất nhiều, trong đó lớn nhất là tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng, chi phí lãi vay ngân hàng, chi phí chuẩn bị đầu tư, tiền quỹ bảo lãnh dự án... Nếu không có chính sách ưu đãi, doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở giá rẻ vì lợi nhuận rất thấp; trong khi đó chỉ cần đầu tư thêm về thiết kế, tiện ích, lợi nhuận sẽ tăng lên nhiều lần.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ, tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, nghiên cứu, xây dựng nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2). Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng, Bộ đã xây dựng dự thảo nghị quyết, trong đó tập trung vào một số ưu đãi về đất đai (được giảm tiền sử dụng đất, được chậm nộp tiền sử dụng đất), về thuế, quy hoạch, bố trí quỹ đất, về thủ tục đầu tư xây dựng, cơ chế huy động vốn… Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tư pháp thì các chính sách ưu đãi với dự án nhà ở thương mại giá thấp trên chưa được quy định trong các luật: Đất đai (miễn, giảm tiền sử dụng đất), nhà ở (lựa chọn chủ đầu tư), thuế (miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp)...

“Trên cơ sở góp ý của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình để đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng bộ vào Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai và các luật khác có liên quan theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội” - ông Bùi Xuân Dũng thông tin.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, chính sách pháp luật về các dự án nhà ở thương mại còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, mà mấu chốt nằm ở Luật Đất đai, rất khó để phát triển nhà ở thương mại giá thấp nếu không sớm sửa luật này. Áp lực tăng giá nhà, nhất là phân khúc giá rẻ chỉ giảm bớt khi nguồn cung mới gia tăng. Khi các vấn đề pháp lý hiện hành chưa được giải quyết, việc phát triển nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ lại tiếp tục phải chờ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn chờ... nhà ở giá rẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.