Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ hạ tầng cây xanh - mặt nước: Tạo điểm nhấn cho đô thị hiện đại

Trung Hiếu| 10/03/2018 07:16

(HNM) - Hồ nước và hệ thống cây xanh trong không gian đô thị giữ vai trò quan trọng nhằm điều hòa không khí, thoát nước mưa, tạo không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực. Gìn giữ và phát triển hệ thống ao, hồ, không gian mặt nước và cây xanh là điều mà Hà Nội đang hướng tới trong nỗ lực phát triển một đô thị xanh, hiện đại.

Hồ điều hòa Linh Đàm với dải cây xanh bao quanh giúp cải thiện năng lực thoát nước cho phía Nam Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Vẫn còn điểm chưa hợp lý

Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng hồ có trong nội đô như: Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Thiền Quang, Linh Đàm, Giảng Võ, Thành Công, Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân… và nhiều con sông chảy qua. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng quỹ mặt nước này phục vụ cảnh quan và đời sống đô thị vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý. Vài năm trở lại đây, nhiều ao, hồ bị lấp, lấn chiếm làm giảm đáng kể diện tích mặt nước, gây ngập úng vào mùa mưa. Ở các khu vực mới phát triển như Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm... tốc độ xây dựng các khu đô thị tăng nhanh, kéo theo nhiều ao, hồ bị san lấp bởi đất cát, rác thải và lấn chiếm để xây dựng công trình.

Trước thực trạng này, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, TP Hà Nội cần nghiên cứu theo định hướng tạo cảnh quan và điều hòa thoát nước, đặc biệt là sự kết nối điều hòa giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, quy hoạch hệ thống hồ Hà Nội đã được xác định trong quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và các quy hoạch chung, quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh và hồ. Vì thế, thành phố cần lập phương án để thực hiện quy hoạch, thiết kế đô thị hiệu quả, bảo đảm yêu cầu và tiến độ đề ra. Đồng thời, cũng cần lập kế hoạch, lộ trình để hoàn thiện các văn bản pháp lý quản lý hồ trên quan điểm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kết hợp phát triển không gian mặt nước - cây xanh


Thực tế, sông hồ là một trong những yếu tố đặc trưng của Hà Nội, mang lại cho thành phố bản sắc riêng, điều mà đô thị khác không dễ gì có được. Thống kê cho thấy, trong quá trình phát triển, Hà Nội đã hình thành các hệ thống sông, hồ dày đặc, chiếm 17% diện tích nội thành. Các sông, mương và hồ nối với nhau thành chuỗi và tạo nên một hệ thống nhất. Hệ thống này đều có cấu trúc, hình thái không gian gắn liền với cấu trúc đô thị, nằm đan xen trong các khu làng đô thị, khu phố cũ, các khu chung cư cũ, khu đô thị mới… tạo nên cảnh quan mặt nước trong đô thị, trở thành bộ phận quan trọng không thể thiếu trong tổng thể đô thị.

Gìn giữ và phát triển những giá trị này, thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực để phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh - mặt nước trong việc xây dựng Thủ đô thành một đô thị “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”. Điều này đã được quan tâm, đặc biệt từ năm 2016 đến nay. Có thể kể đến là việc thành phố đã khởi công nhiều dự án xây dựng công viên hồ nước lớn như Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh), khởi công ngày 2-9-2016. Trước đó, vào tháng 7 và tháng 5-2016, hai công viên lớn là Công viên - hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy và Công viên hồ điều hòa Nhân Chính... đã được khởi công. Những công viên này đã tạo khoảng đệm, không gian xanh trong khu vực, là nơi tham quan, nghỉ ngơi, giải trí cho người dân và được kỳ vọng là "lá phổi xanh" của vùng đô thị đông đúc nhất Thủ đô...

Tại hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị”, do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu trở thành một thành phố xanh - văn hiến - văn minh hiện đại. Đây là lý do để thành phố quyết tâm thực hiện chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2016-2020... Cùng với đó, hồ Hoàn Kiếm cũng vừa hoàn thành công tác cải tạo, nạo vét lòng hồ. Sắp tới, thành phố sẽ nghiên cứu, tiến tới nạo vét, cải tạo hồ Tây trở thành điểm nhấn về cảnh quan, du lịch...

Như vậy, để công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh - mặt nước của Hà Nội đạt sự bền vững rất cần có sự tham gia của cộng đồng. Nhằm tăng diện tích cây xanh, mặt nước, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư cải tạo hồ nước, trồng mới cây xanh.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Phát triển cây xanh, mặt nước là yếu tố bắt buộc với nhiều đô thị trên thế giới và Hà Nội cũng vậy. Giải pháp thành phố đưa ra để tăng diện tích cây xanh, mặt nước là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đóng góp, cùng với đó sẽ đưa việc giáo dục ý thức giữ gìn cây xanh, hồ nước vào giảng dạy ở một số cấp học.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ hạ tầng cây xanh - mặt nước: Tạo điểm nhấn cho đô thị hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.