Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn về sử dụng đất dự án

Bài, ảnh: NGUYỄN LÊ| 01/07/2019 08:18

(HNM) - Đến năm 2020, diện tích đất ở đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt trên 24.000ha. Diện tích này đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển nhà ở của thành phố trong tương lai. Tuy nhiên, để quỹ đất trên được sử dụng hiệu quả, thành phố đang tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giúp nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án.


Nhiều dự án ách tắc

Là người đang chờ dự án hoàn thiện để mua nhà chung cư, ông Nguyễn Trọng Lư (ngụ tại 134, đường Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7) cho rằng, người mua nhà luôn mong muốn chủ đầu tư dự án có quỹ đất hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua đó, chủ đầu tư có cơ sở pháp lý để hoàn thiện dự án.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở để thị trường phát triển ổn định.


Tuy nhiên, trên thực tế, không ít chủ đầu tư gặp khó khăn trong triển khai dự án do nhiều nguyên nhân, trong đó có ách tắc trong việc tính tiền sử dụng đất dự án. Đơn cử, dự án Khu dân cư Bình Chiểu 2 (quận Thủ Đức) do Công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển nhà Bình Dân làm chủ đầu tư chưa thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính do UBND thành phố Hồ Chí Minh chưa ban hành quyết định về tiền sử dụng đất dự án.

Còn dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (quận 7) với diện tích hơn 77.354m2, vì có hơn 1.758m2 đất công thuộc dự án (chiếm tỷ lệ 2,2% diện tích) nên chủ đầu tư chưa được thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến không thể triển khai xây dựng dự án.

Trong khi đó, một số chủ đầu tư do triển khai xây dựng dự án khi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, dẫn đến sai phạm. Trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát xây 110 căn biệt thự thuộc dự án Green Star Sky Garden (quận 7) trên khu đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất buộc UBND thành phố phải đình chỉ thi công là một điển hình.

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại được Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô chỉ 924 căn hộ, giảm 16 dự án so với cùng kỳ năm 2018.

Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất UBND thành phố chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, giảm 10 dự án so với cùng kỳ năm 2018.

Khẩn trương rà soát từng dự án

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2020, diện tích đất ở đô thị của thành phố đạt trên 24.000ha, gấp hơn 25 lần diện tích khu trung tâm hiện hữu của thành phố. Quỹ đất này phần lớn nằm ở các quận, huyện ngoại thành với nhiều nguồn gốc khác nhau như đất phi nông nghiệp chưa chuyển đổi thành đất ở; đất đan cài một phần diện tích đất công...

Để tháo gỡ các trường hợp này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát từng dự án. Sau khi có kết quả rà soát, UBND thành phố sẽ đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

Đối với các dự án đã công nhận chủ đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện triển khai, UBND thành phố đã tiến hành rà soát thủ tục pháp lý hơn 150 dự án. Sau khi rà soát, thành phố đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, cơ quan có thẩm quyền rà soát về pháp lý những dự án trên là rất cần thiết để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách. Qua đó, HoREA kiến nghị các dự án còn lại cần tiếp tục rà soát một cách khách quan, công bằng để giúp chủ đầu tư tháo gỡ ách tắc, tiếp tục thực hiện dự án.

Liên quan đến vấn đề thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án, ông Võ Văn Hoan cho biết, quan điểm của UBND thành phố là tất cả dự án đầu tư có sử dụng đất, đặc biệt là dự án phát triển nhà ở phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan; trong đó, Luật Đất đai phải đi trước. Tức là, trước khi triển khai thực hiện dự án có sử dụng đất, chủ đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.

Để được như vậy, chủ đầu tư cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước. “Điều này phải được tuân thủ nhất quán nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp “cầm đèn chạy trước ô tô”, dẫn đến sai phạm cũng như có thể xảy ra các tranh chấp sau này”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Đối với các dự án có đan cài một phần diện tích đất công, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý. Chậm nhất trong tháng 7-2019, cơ quan này phải tham mưu cho lãnh đạo thành phố giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án liên quan.

Ông Võ Văn Hoan khẳng định, những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố, lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn về sử dụng đất dự án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.