Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp đất dịch vụ ở huyện Hoài Đức: Còn nhiều vướng mắc

Hoàng Hà| 24/08/2019 07:39

(HNM) - Mặc dù từ năm 2016 đến nay, huyện Hoài Đức đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu giao đất dịch vụ, tuy nhiên đến nay mới có 2/12 xã, thị trấn hoàn thành. Nguyên nhân của thực trạng này là còn nhiều vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng.

Nhiều xã chưa giao đất tại thực địa

Theo thống kê của UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện có 66 dự án thu hồi đất có chính sách đất dịch vụ với diện tích giải phóng mặt bằng 1.398,9ha của 12 xã, thị trấn, liên quan đến 13.073 hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2 xã Đắc Sở và Đức Thượng hoàn thành công tác giao đất dịch vụ cho người dân.

Xã An Khánh (huyện Hoài Đức) mới giao đất tại thực địa cho 334/2.100 hộ dân đủ điều kiện nhận đất dịch vụ. Ảnh: Đỗ Hà

Ông Phạm Gia Lộc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết: Trong tổng số 13.073 hộ dân đủ điều kiện giao đất dịch vụ, đến nay có 10.720 hộ đã bốc thăm và giao đất dịch vụ trên sơ đồ, đạt 82%; 2.650/10.720 hộ được giao đất tại thực địa, đạt 25%. Hiện, vẫn còn nhiều xã chưa giao được đất dịch vụ tại thực địa hoặc tỷ lệ giao đất tại thực địa cho người dân đạt thấp, như: Di Trạch, Vân Côn, An Thượng, Trạm Trôi, La Phù, An Khánh, Vân Canh…

Theo ông Phạm Gia Lộc, nguyên nhân chính khiến công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Hoài Đức chưa thể cán đích là do công tác giải phóng mặt bằng các dự án đất dịch vụ ở một số xã chậm tiến độ, nhiều hộ dân chưa hợp tác trong kiểm đếm; không đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; không nhận tiền và bàn giao đất sạch cho chính quyền,… Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn một vài dự án đất dịch vụ chưa được cấp chỉ giới đường đỏ, hoặc chưa được chấp thuận vị trí nên chưa thể thực hiện quy trình giải phóng mặt bằng theo quy định. Ngoài ra, tiến độ xây dựng hạ tầng nhiều khu đất dịch vụ trên địa bàn quá chậm; một số xã mắc sai sót trong quá trình xét duyệt hồ sơ nên phải làm lại… 

Nói về khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch cho biết: Trên địa bàn xã Di Trạch có 7 dự án thu hồi đất có chính sách đất dịch vụ, tương đương với 1.237 hộ được hưởng. Sở dĩ đến nay xã vẫn chưa giao đất tại thực địa cho người dân là do công tác xây dựng hạ tầng dự án đất dịch vụ 10,5ha mới chỉ đạt 70%. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng dự án đất dịch vụ (khu X5, X6) diện tích trên 5ha đang gặp vướng mắc do 85/209 hộ không phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng trong kiểm đếm. Mặc dù UBND huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, UBND xã đã nhiều lần đến từng hộ tuyên truyền, vận động nhưng nhiều hộ vẫn không chấp hành…

Còn tại xã Vân Canh, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Khánh, mới chỉ có 2/6 dự án đất dịch vụ trên địa bàn hoàn thành xây dựng hạ tầng; 4/6 dự án đất dịch vụ còn lại đang gặp vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và chưa xây dựng hạ tầng xong khiến việc chia đất tại thực địa bị chậm mặc dù đã có 1.951/2.062 hộ bốc thăm, giao đất trên sơ đồ. Cụ thể, 1 dự án đã làm xong đường, rãnh thoát nước, nhưng chưa san lấp mặt bằng, hệ thống điện, vỉa hè; 1 dự án chưa xây dựng hạ tầng; 1 dự án đang triển khai quy trình giải phóng mặt bằng và đặc biệt còn 1 dự án đã được chấp thuận vị trí nhưng chưa được cấp chỉ giới đường đỏ.

Tương tự, các xã An Thượng, Song Phương, Kim Chung, La Phù, Vân Côn, An Khánh… cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án đất dịch vụ, ảnh hưởng đến việc xây dựng hạ tầng và chia đất tại thực địa.

Nỗ lực tháo gỡ

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ, từ năm 2016 đến nay, huyện Hoài Đức đã triển khai nhiều giải pháp như ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổng hợp, kiểm tra, rà soát những tồn tại, vướng mắc của từng dự án, từng xã, từng hộ dân để có giải pháp khắc phục kịp thời. Công tác giao ban, kiểm điểm tiến độ giao đất dịch vụ cũng được huyện Hoài Đức thường xuyên tổ chức nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền, huyện đã kịp thời tổng hợp, báo cáo xin ý kiến UBND thành phố và các sở, ngành xem xét, chỉ đạo giải quyết. 

Để hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng các dự án đất dịch vụ, năm 2017, huyện Hoài Đức đã thành lập và chỉ đạo các tổ công tác phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành nghiêm chủ trương thu hồi đất, hợp tác trong công tác kiểm đếm, kê khai khi giải phóng mặt bằng.

“Thời gian tới, huyện Hoài Đức tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng diện tích còn lại, kiên quyết cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế giải phóng mặt bằng đối với những hộ không hợp tác để giải phóng dứt điểm mặt bằng. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, kiểm tra làm rõ vướng mắc còn tồn tại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng của từng dự án, công tác xét hộ và việc tổ chức bốc thăm giao đất trên địa bàn các xã; phấn đấu trong năm 2019 cơ bản hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho người dân” - ông Nguyễn Quang Đức cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp đất dịch vụ ở huyện Hoài Đức: Còn nhiều vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.