Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ những rào cản trong đầu tư xây dựng

Dạ Khánh| 14/11/2019 07:23

(HNM) - Quy định pháp lý còn tồn tại một số nội dung bất hợp lý; thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài... đang là những rào cản gây ảnh hưởng đến công tác đầu tư xây dựng, cũng như việc triển khai các dự án bất động sản hiện nay. Để gỡ rào cản pháp lý trong lĩnh vực này, việc điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 đang được nghiên cứu thực hiện...

Rào cản pháp lý gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản hiện nay.

Còn nhiều bất cập

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật Xây dựng được ban hành năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015), sau gần 5 năm thực hiện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung quy định của Luật đã bộc lộ không ít bất cập.

“Quy trình cấp giấy phép xây dựng hiện gồm 3 quy trình. Theo đó, tất cả các công trình cấp I (từ 25 tầng, hoặc hơn 75m) trên toàn quốc đều phải được Cục Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Điều bất hợp lý là sau khi được thẩm định 2 quy trình trên, chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng địa phương để xin cấp giấy phép xây dựng, làm tốn nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp” - Ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng.

Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các nghị định hướng dẫn cũng được Đại tá Đỗ Xuân Đại, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) chỉ rõ. Cụ thể, Nghị định 43/2014/NĐ-CP (ngày 15-5-2014) của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định vốn chủ sở hữu tối thiểu được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng mức đầu tư. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 4, Nghị định 32/2015/NĐ-CP (ngày 25-3-2015) của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng lại quy định tổng mức đầu tư xây dựng gồm các khoản chi phí: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng.

Như vậy, tổng mức đầu tư không bao gồm tiền sử dụng đất nộp một lần của toàn bộ dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước đều yêu cầu gộp cả tiền sử dụng đất vào tổng mức đầu tư để tính toán vốn chủ sở hữu. Do đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu bị đội lên rất nhiều, đặc biệt đối với các dự án có tiền sử dụng đất lớn.

"Nếu triển khai cùng lúc nhiều dự án, việc phải đáp ứng vốn chủ sở hữu trên tổng mức đầu tư đã bao gồm tiền sử dụng đất gây khó khăn rất nhiều cho chủ đầu tư trong việc đáp ứng đủ vốn theo quy định để thực hiện các thủ tục đầu tư" - Đại tá Đỗ Xuân Đại cho biết thêm.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Xanh Nguyễn Văn Đực chia sẻ: “Hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng mất nhiều thời gian. Đơn cử, công ty tôi chỉ xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất mà mất 2-3 tháng chưa xong; chưa kể các thủ tục khác, rất lãng phí thời gian...”.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Về các bất cập trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014. Cụ thể, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, dự án Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 51 điều và thay thế thuật ngữ tại 14 điều.

Việc sửa đổi tập trung vào 3 nhóm chính sách: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) dẫn chứng về việc sửa đổi. Cụ thể, việc tích hợp giấy phép xây dựng với thẩm định thiết kế xây dựng; tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình đặc biệt của Bộ Xây dựng cho UBND cấp tỉnh. Theo nội dung dự thảo mới, tất cả các công trình thuộc các nguồn vốn chỉ phải thực hiện 2 thủ tục là thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng (miễn giấy phép xây dựng); hoặc thẩm định dự án, cấp giấy phép xây dựng, thay vì phải thực hiện 3 thủ tục như trước kia. Thời gian cấp giấy phép xây dựng được đề xuất giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày... Đây là nội dung thay đổi căn bản của dự án Luật Xây dựng sửa đổi nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương, một trong những đổi mới đáng ghi nhận tại Luật Xây dựng sửa đổi là giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, việc song hành 3 bước khi thẩm định dự án, phê duyệt phòng cháy chữa cháy và môi trường nhận được sự đồng tình cao. Hiện nay, các dự án đang phải thực hiện tuần tự từng bước rất mất thời gian khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư ở địa phương bức xúc. Việc điều chỉnh này là bước tiến, tránh cho các nhà đầu tư phải chuyển hồ sơ nhiều lần.

Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Anh Trí, Trưởng ban Phát triển dự án, Tập đoàn Geleximco cho hay, doanh nghiệp rất mong chờ nội dung này, bởi sẽ rút ngắn được thời gian trong quá trình thực hiện dự án từ triển khai, phê duyệt, cấp phép,... và hiệu quả dự án được tốt hơn.

Luật Xây dựng sửa đổi vừa được đưa ra thảo luận (ngày 11-11) tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV; dự kiến thông qua tại kỳ họp tổ chức vào tháng 5-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ những rào cản trong đầu tư xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.