Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Đảng Dân chủ mất nốt thượng viện?

Theo Hiếu Trung| 03/11/2014 16:29

Ngày 4-11, cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra tại Mỹ. Đảng Cộng hòa có 70% cơ hội cướp quyền kiểm soát thượng viện từ Đảng Dân chủ.

Ông Obama phát biểu trong một cuộc vận động cho các ứng cử viên Dân chủ - Ảnh: Reuters


Mọi dấu hiệu đều cho thấy Đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát thượng viện từ tay Đảng Dân chủ và gia tăng thế đa số tại hạ viện.

Theo khảo sát của trang web The Upshot, Đảng Cộng hòa có 70% cơ hội cướp quyền kiểm soát thượng viện từ Đảng Dân chủ.

Hiện Đảng Cộng hòa đang nắm 45 trên tổng số 100 ghế thượng viện và cần sáu ghế để giành thế đa số. Giới quan sát cho biết hiện Đảng Cộng hòa hầu như chắc chắn đoạt được bốn ghế đại diện bang Arkansas, Montana, South Dakota và West Virginia.

Ở hạ viện, các khảo sát cho thấy Đảng Cộng hòa sẽ giữ thế đa số, vấn đề chỉ là thêm được bao nhiêu ghế.

Một số nhà phân tích cho rằng Đảng Dân chủ có thể đánh mất tới 12 ghế ở hạ viện. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là thất bại tại hai kỳ bầu cử giữa kỳ liên tiếp của Đảng Dân chủ trong 64 năm qua. Năm 2010, Đảng Dân chủ đánh mất 63 ghế hạ viện.

Cử tri hoang mang

Cuộc bầu cử giữa kỳ tốn kém nhất

Theo thống kê của Trung tâm Chính trị phản ứng nhanh, ngày 4-11 sẽ là cuộc bầu cử giữa kỳ tốn kém nhất trong lịch sử chính trị Mỹ, với tổng chi phí lên tới gần 4 tỉ USD. Số tiền này đủ để mua 25 máy bay chiến đấu hiện đại F-18 hay trả học phí cấp tiểu học và trung học cho 12.000 học sinh. Các đảng và ứng cử viên sử dụng phần lớn số tiền để thực hiện các chiến dịch quảng bá, kêu gọi bỏ phiếu.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa thừa nhận trên thực tế cử tri Mỹ không đột nhiên yêu quý vồ vập đảng này.

“Cử tri chỉ mất niềm tin vào chính phủ hiện tại. Người dân không an tâm với an ninh quốc gia và tình hình việc làm.

Đảng đang cầm quyền bao giờ cũng thất thế trong những cuộc bầu cử như thế này” - báo New York Times dẫn lời thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn nhận định.

Trên thực tế, thống kê cho thấy trong các cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, đảng của tổng thống đương nhiệm luôn rơi vào thế bất lợi.

Tỉ lệ ủng hộ của người dân Mỹ dành cho ông Obama đã sụt giảm đáng kể trong thời gian qua, hiện chỉ dao động ở mức 44%. Khi trả lời khảo sát của USA Today, nhiều cử tri Mỹ cho biết họ bỏ phiếu để chống lại ông Obama.

Khảo sát tuần trước của Hãng CBS News cho thấy chỉ 27% người dân Mỹ đánh giá đất nước đang phát triển đúng hướng.

Dịch Ebola và sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang trở thành mối lo ngại mới đối với người dân Mỹ. Khảo sát của AP cho thấy 53% cử tri đánh giá nguy cơ tấn công khủng bố tại Mỹ là “rất cao”.

Trong cuộc khảo sát mới đây của Hãng Pew, 41% người dân cho biết không hề tin tưởng chính phủ có thể ngăn chặn nguy cơ đại dịch Ebola bùng nổ ở Mỹ.

Trong khi đó, Đảng Cộng hòa liên tục tổ chức các chiến dịch quảng cáo mô tả tình hình nước Mỹ đang cực kỳ u ám và Tổng thống Obama cùng Đảng Dân chủ không thể bảo vệ người dân.

Sự lo ngại về kinh tế vẫn còn cao dù thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống 5,9% và GDP tăng 3,5% trong quý 3-2014.

“Hiện người Mỹ vẫn chưa cảm thấy an toàn về kinh tế dù nền kinh tế đang phục hồi. Danh sách các cuộc khủng hoảng quốc tế đang dài dằng dặc và Đảng Cộng hòa mở chiến dịch trút mọi vấn đề lên đầu ông Obama. Đó là lý do chính” - hạ nghị sĩ Dân chủ David Price khẳng định.

Ông Obama sẽ làm gì?

Giới quan sát nhận định khi kiểm soát cả thượng viện và hạ viện, Đảng Cộng hòa sẽ dùng lợi thế này để chặn các chính sách của ông Obama, gây khó dễ cho những quyết định đề cử nhân sự mới của ông và theo đuổi các kế hoạch tăng cường vị thế của đảng này để chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Dự báo hai năm cuối của ông Obama tại Nhà Trắng sẽ đầy khó khăn và thử thách.

Theo New York Times, các cố vấn của ông Obama cho biết ông sẽ tiếp tục sử dụng quyền hành pháp của mình để thúc đẩy các chính sách của Đảng Dân chủ trong các lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu, nhập cư, quyền của người đồng tính, các vấn đề kinh tế...

Và phần lớn các tổng thống Mỹ trong một hai năm cuối của nhiệm kỳ luôn tập trung vào chính sách đối ngoại, nơi họ có quyền tự do đề ra đường hướng hơn là đối nội.

Trang France 24 dẫn lời nhà phân tích chính trị John McLaughlin ở New York cho rằng ông Obama có lợi thế “không còn gì để mất”, do đó sẽ hành động mạnh mẽ hơn.

Nhiều khả năng ông sẽ sớm ra sắc lệnh tạo điều kiện cho hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp cơ hội được định cư tại Mỹ.

Các nhà quan sát cũng hi vọng Đảng Cộng hòa sẽ chấp nhận hợp tác với ông Obama trong một số lĩnh vực như năng lượng, thuế, ký các thỏa thuận thương mại tự do, an ninh mạng...

Khi đó, Đảng Cộng hòa sẽ tạo thiện cảm với cử tri nhằm chuẩn bị cuộc chiến năm 2016.

“Sẽ tiếp tục có những cuộc quyết chiến giữa hai đảng và sự chia rẽ. Nhưng hai đảng có thể hợp tác để giải quyết nhiều vấn đề” - hạ nghị sĩ Charlie Dent thuộc Đảng Cộng hòa lạc quan. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Đảng Dân chủ mất nốt thượng viện?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.