Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ chức, Mỹ mất một đồng minh?

Bình Minh| 06/05/2016 10:16

(HNMO) – Tuyên bố bất ngờ về kế hoạch từ chức của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 5/5 đã đặt mối quan hệ Washington – Ankara trước một bước ngoặt mới.



Ông Davutoglu được xem là một đồng minh thân cận với Mỹ, một người có tiếng nói ôn hòa, một nhà ngoại giao khéo léo trong chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.“Chúng tôi có thể hợp tác tốt với vị thủ tướng này”, Tướng John Allen, một cựu quan chức quân đội Mỹ khẳng định. “Nhưng người kế nhiệm ông ấy thì có thể sẽ khác”. Theo thăm dò của Foreign Policy, các cựu quan chức và quan chức đương nhiệm của Bộ Ngoại giao Mỹ đều lo ngại rằng, mối quan hệ thân cận giữa ông Davutoglu và các nhà ngoại giao Mỹ sẽ mất đi sau khi ông này từ chức. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner gọi sự ra đi bất ngờ của ông Davutoglu là “một vấn đề chính trị quốc tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ”, và từ chối bình luận thêm.

Trong suốt gần 2 năm qua, Mỹ đã luôn mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi các phần tử cực đoan dòng Sunni tung hoành ở Syria và Iraq. Nhưng dưới thời Tổng thống Erdogan, Ankara lại quan tâm nhiều hơn tới cuộc chiến với đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm ly khai mà cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều gọi là tổ chức khủng bố. Mỹ phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn máy bay của IS vượt qua biên giới với Syria và muốn quân đội tiếp tục sử dụng căn cứ không quân Incirlik được phía Thổ cho phép cách đây gần 1 năm. Trong khi đó, Ankara lại muốn nhờ các cuộc không kích của Mỹ để thu hẹp lãnh thổ của IS. Hai bên chỉ khác biệt ở một điểm, đó là Mỹ ủng hộ các chiến binh người Kurd ở Syria, một vấn đề không ít lần khiến mối quan hệ Washington – Ankara rạn nứt.

Khi ông Davutoglu còn đương nhiệm, Mỹ có một người đối thoại với quan điểm mềm mỏng hơn về vấn đề người Kurd. Mặc dù Thủ tướng Davutoglu không được trao nhiều quyền lực và quyền tự chủ nhưng ông là một kênh quan trọng để nhiều quan chức Mỹ truyền tải quan điểm và bày tỏ những mối lo ngại.“Việc ông Davutoglu rời nhiệm sở sẽ làm giảm bớt những tiếng nói ôn hòa từ bên trong chính phủ về vấn đề người Kurd”, ông Andrew Bowen, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhận định.

Khi ông Davutoglu ra đi, Ankara có thể sẽ miễn cưỡng hơn nữa trong việc hợp tác với Mỹ về vấn đề người Kurd ở Syria. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sẽ có những điều chỉnh về vấn đề biên giới với Syria.“Ông Erdogan sẽ thay thế ông Davutoglu bằng một thành viên thân cận do ông ấy lựa chọn”, ông Aykan Erdemir, cựu nghị sỹ Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ. “Người kế nhiệm sẽ kiểm soát toàn bộ các vấn đề trong và ngoài nước, bao gồm các cuộc đàm phán với Mỹ và EU về vấn đề Syria, tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong EU và mối quan hệ với Israel”.

Tuy nhiên, khó có thể xảy ra những thay đổi lớn trong mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh quyền lực vẫn tập trung trong tay Tổng thống Erdogan. “Ông Erdogan vẫn là người quyết định các vấn đề chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều vấn đề lớn khác, ví dụ như Syria”, ông Aaron Stein, thành viên Atlantic Council nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ chức, Mỹ mất một đồng minh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.