Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ hủy dự án hỗ trợ tái thiết Syria: Toan tính thận trọng

Thùy Dương| 19/08/2018 07:09

(HNM) - Quyết định hủy bỏ dự án trị giá 200 triệu USD cho các chương trình giúp khôi phục ổn định tại Syria của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được nhìn nhận như một bước đi nhằm rút dần sự can dự của Washington khỏi các cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Mỹ đã rút khoản tài trợ 200 triệu USD cho các chương trình khôi phục hạ tầng tại Syria.


Đây là khoản viện trợ bổ sung được ông Rex Tillerson cam kết hồi tháng 2-2018 trong phiên họp của liên minh toàn cầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Kuwait khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Hồi tháng 1, cựu Ngoại trưởng đã đề xuất một chiến lược toàn diện cho vấn đề Syria, theo đó Mỹ sẽ duy trì hiện diện ở quốc gia này để đề phòng việc IS trỗi dậy cũng như hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump hiện được cho là đang nghi ngờ tính khả thi của cách tiếp cận này. Ông chủ Nhà Trắng liên tục tỏ ra thất vọng với kế hoạch của Mỹ ở Syria và tuyên bố muốn các đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia chia sẻ nhiều hơn gánh nặng với Washington.

Do đó, Nhà Trắng đang chuyển hướng sử dụng khoản kinh phí này cho các mục tiêu đối ngoại ưu tiên khác, nhưng kinh phí ổn định tình hình Syria sẽ được bù đắp bằng khoản tiền 300 triệu USD do các nước đối tác trong liên minh chống IS cung cấp. Theo Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Satterfield, Mỹ và các nước khác sẽ không đóng góp cho việc tái thiết đầy đủ của Syria cho đến khi có một tiến trình chính trị đáng tin cậy và không thể đảo ngược để chấm dứt xung đột.

Thực tế cho thấy, hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra thông báo sẽ ngừng cấp kinh phí cho các chương trình ổn định ở khu vực Tây Bắc Syria khi IS gần như đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi vùng này. Tổng thống D.Trump nhấn mạnh, Mỹ đã lãng phí tới 7.000 tỷ USD vào các cuộc chiến tại Trung Đông, vì vậy trong tương lai Washington sẽ thay đổi quan điểm nhằm nhất quán với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của mình.

Trước đó, ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố ngay sau khi IS bị đẩy lùi rằng, ông muốn quân đội Mỹ sớm rút khỏi đất nước Trung Đông này. Thời gian qua, các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm hỗ trợ lực lượng đồng minh địa phương trên mặt đất đã giảm dần. Các nhà phân tích nhận định, chưa rõ bao giờ Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria, song trong bối cảnh Nga và chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Syria, nếu Mỹ vẫn ở lại đây không những sẽ tiếp tục lún sâu vào cuộc nội chiến, mà còn chẳng được gì khi bước vào giai đoạn đàm phán tái thiết Syria thời kỳ hậu chiến. Biện pháp tốt nhất của Mỹ lúc này là thông qua đàm phán, rút quân đội khỏi Syria, qua đó bảo đảm cho Mỹ chủ động và có lợi hơn trong bàn cờ Syria thời kỳ hậu chiến.

Việc Tổng thống D.Trump muốn Mỹ rút khỏi Syria làm dấy lên lo ngại giữa các nhóm được Washington hậu thuẫn trong khu vực, đặc biệt là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và có thể khuyến khích sự trỗi dậy của các lực lượng chính phủ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không dám phản công Mỹ và các đồng minh ở Syria do lo ngại sự trả đũa của Washington. Quan trọng hơn, khoảng trống do Mỹ tạo ra sau khi rút khỏi Syria sẽ được Nga lấp đầy, đồng thời sẽ giúp Iran, một quốc gia có lực lượng đang chiến đấu cùng với người Nga tại Syria, hưởng lợi. Nếu Mỹ rời khỏi căn cứ ở Đông Nam Syria, Iran sẽ có thể thông suốt tuyến đường bộ từ Sheikh đến Tehran, gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Trong bối cảnh này, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, mặc dù quyết định chuyển hướng khoản kinh phí ổn định tình hình Syria sang các mục tiêu ưu tiên khác, nhưng Washington không thay đổi cam kết đối với các mục tiêu ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng, từ lời nói tới thực tiễn luôn là một khoảng cách khá xa và điều quan trọng nhất lúc này là làm sao chấm dứt được nội chiến tại Syria, không để xảy ra thảm họa nhân đạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ hủy dự án hỗ trợ tái thiết Syria: Toan tính thận trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.