Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc: Không có kết quả đột phá

Hoàng Linh| 25/08/2018 07:04

(HNM) - Đúng như dự đoán, giới chức Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc cuộc đàm phán kéo dài hai ngày mà không đem lại bất cứ kết quả đột phá nào cho cuộc chiến thương mại đang ngày một leo thang.


Thông tin tới báo giới, cả Mỹ và Trung Quốc chỉ đưa ra những thông điệp hết sức chung chung về cuộc gặp. Theo Phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters, hai bên đã có những trao đổi về cách đạt được quan hệ kinh tế bình đẳng, cân bằng, tương xứng; đồng thời “giải quyết vấn đề cấu trúc ở Trung Quốc” về chính sách chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ. Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, hai nước đã có đợt tiếp xúc mang tính "xây dựng và thẳng thắn”.

Con số 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ mỗi năm lớn hơn nhiều so với hàng hóa xuất theo chiều ngược lại.


Theo các nhà phân tích, đây là vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ đầu tháng 6-2018 nhằm tìm ra một giải pháp cho vấn đề tranh chấp thương mại và thuế quan. Việc hai bên không tìm được tiếng nói chung sau lần đàm phán này sẽ đẩy cuộc chiến thương mại đi xa hơn. Thậm chí, đợt áp thuế thứ hai trị giá 16 tỷ USD hàng hóa mà cả Mỹ và Trung Quốc đưa ra có thể sẽ được thực hiện ngay sau cuộc đàm phán bất thành. Loạt thuế này nâng tổng giá trị hàng hóa chịu thuế lên tới 100 tỷ USD. Trong đó, thuế của Washington đánh vào 279 mặt hàng của Trung Quốc, gồm chất bán dẫn, chất hóa học, nhựa, mô tô và xe máy điện. Trong khi đó, thuế của Bắc Kinh đánh vào các mặt hàng nhiên liệu, sản phẩm thép, đồ điện máy, rác thải và thiết bị y tế của Mỹ.

Hiện nay, quan điểm của phía Mỹ vẫn hết sức cứng rắn. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn đang chuẩn bị cho một đợt thuế lớn hơn nữa, dự kiến áp vào 6.000 sản phẩm từ Trung Quốc (tổng trị giá lên tới 200 tỷ USD), và có thể áp dụng trong tháng 9. Đây là bước tiếp theo trong chiến dịch nhắm tới việc đánh thuế tất cả khoảng 500 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ mỗi năm (năm 2017, con số này là 505 tỷ USD). Washington từng khẳng định sẽ chỉ cân nhắc lại kế hoạch nếu Bắc Kinh chịu thay đổi chính sách đối với quyền sở hữu trí tuệ, trợ giá công nghiệp và cơ cấu hàng rào thương mại; đồng thời phải mua thêm nhiều hàng hóa từ phía Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng cáo buộc Bắc Kinh thao túng đồng nhân dân tệ nhằm bù đắp thiệt hại do các lệnh áp thuế từ Mỹ, đồng thời đề xuất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra các biện pháp đối phó phù hợp.

Trước những đợt “sóng” thuế liên tiếp, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích Mỹ là "tiếp tục ngoan cố", bày tỏ quan điểm kiên quyết phản đối và cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp trả đũa. Bắc Kinh cũng không ngần ngại khẳng định sẽ khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì quy định mức thuế mới này. Tuy nhiên, do con số 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ đang lớn hơn nhiều so với hàng hóa xuất theo chiều ngược lại, nên nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ phải cân nhắc đến các biện pháp trả đũa như: Siết chặt hoạt động của doanh nghiệp Mỹ trên lãnh thổ của mình, thậm chí hạ giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu trong nước. Bắc Kinh có lý do để lo lắng, bởi chiến tranh thương mại có nguy cơ làm giảm tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2018 từ 0,1 đến 0,3%, kéo theo đó là những hệ lụy khó lường khác.

Đúng như những quan ngại của giới phân tích, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể kết thúc trong "ngày một, ngày hai". Bên cạnh tổn thất mỗi nước phải gánh chịu, cuộc chiến thương mại sẽ còn tác động tiêu cực tới tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Cơ hội đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn luôn rộng mở. Vấn đề là hai bên cần nhìn nhận, hướng đến giá trị tích cực chứ không phải là những biện pháp trả đũa như đã áp dụng trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc: Không có kết quả đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.