Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia - 2019: Tạo bước chuyển mới

Minh An| 02/03/2019 07:44

(HNM) - Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia

Với lối chơi quyến rũ, hiệu quả, Hà Nội FC đang thu hút nhiều khán giả tới sân. Ảnh: Hoàng Minh


Những yếu tố thuận lợi...

Trước mùa giải 2019, đã có lúc có sự âu lo về việc tìm nhà tài trợ chính cho Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia. Hợp đồng dự kiến từ năm 2018 đến 2020 giữa nhà tổ chức giải với Nutifood đã không thể đi hết con đường. Thuận lợi cho giải đấu là chức vô địch AFF Cup 2018 cùng với việc vào tứ kết ASIAN Cup 2019 của đội tuyển Việt Nam đã giúp việc tìm kiếm nhà tài trợ bớt khó khăn hơn. Đây thực sự là vấn đề sống còn của giải đấu khi bản quyền truyền hình - nguồn thu chính từ nhiều giải đấu bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới, từ nhiều năm nay chưa vượt được con số 10 tỷ đồng tiền mặt.

Nhưng thực tế cho thấy, giải đấu này vẫn nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp với đoạn kết có hậu khi lễ ký hợp đồng tài trợ cho giải đã chính thức diễn ra vào ngày 20-2 vừa qua. Theo đó, Masan trở thành nhà tài trợ chính của giải và Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia năm 2019 sẽ mang tên "Wake-up 247 V-League 1-2019".

Giải đấu nhận khoản tài trợ 40 tỷ đồng từ nhà tài trợ chính cho mùa giải 2019 và dự kiến hợp đồng kéo dài trong 5 năm có lũy tiến. Với nguồn thu này, các nhà quản lý giải đấu có thể yên tâm điều hành giải. Họ cũng sẽ có đủ thời gian để hoạch định, thực hiện chiến lược phát triển dài hơi cho bóng đá Việt Nam.

Trước mắt, với nguồn kinh phí kể trên, Ban điều hành giải đã tính đến phương án sử dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài để giúp hạn chế tối đa sai sót. Với bước đi này, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Giải đấu ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn sẽ góp phần nâng cao chất lượng các đội tuyển quốc gia”.

Khi vấn đề tài trợ đã được giải quyết, thì những nhà điều hành giải đấu năm 2019 lại phải lo thu hút người hâm mộ đến sân. Khán đài đông khán giả là yếu tố quan trọng để giữ chân nhà tài trợ hiện tại và thu hút thêm các nhà tài trợ khác. Sau vòng đấu đầu tiên của giải năm nay, đã có trung bình trên 9.300 khán giả tới sân trong một trận đấu. Đây là lượng khán giả lý tưởng với một giải bóng đá quốc nội.

Rõ ràng, dấu ấn thành tích của đội tuyển quốc gia vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 đã tác động mạnh đến khán giả. Thậm chí, ngay ở vòng 1, trên sân vận động Hàng Đẫy đã có một nhóm khách du lịch Hàn Quốc tới xem trận đấu giữa Hà Nội FC và Than Quảng Ninh. Nhóm khách này biết đội hình của Hà Nội FC có nhiều cầu thủ trong đội tuyển quốc gia đang được dẫn dắt bởi huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo nên mua vé vào sân cổ vũ cho đội bóng Thủ đô. Điều này càng khẳng định sức ảnh hưởng của các đội tuyển quốc gia tới giải bóng đá quốc nội.

Bài toán giữ chân khán giả

Những dấu hiệu tích cực của mùa giải này sẽ giữ được trong bao lâu, có được nhân lên hay không là câu hỏi chưa có lời giải. Trong đó, rõ nhất là việc giữ khán giả đến với giải đấu. Con số trên 9.300 khán giả tới sân trong một trận đấu chỉ là số liệu của vòng đấu đầu tiên - thường luôn thu hút đông khán giả.

Trong khi đó, phía trước giải còn có tới 26 vòng đấu. Chưa kể, một số cầu thủ có sức hút khán giả Việt Nam hiện nay như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm đã ra nước ngoài thi đấu.

Ở mùa giải năm 2018, hiệu ứng từ đội U23 quốc gia đã tác động lên giải vô địch quốc gia ở mức ít ngờ tới, sau 4 vòng đấu đầu tiên, giải thu hút trung bình trên 11.000 khán giả/trận. Nhưng khi giải đấu bị ngắt quãng bởi World Cup 2018 diễn ra song song, cùng việc xảy ra một số vụ liên quan đến trọng tài, thành viên trong ban điều hành giải nên cuối cùng lượng khán giả trung bình đến sân của cả giải chỉ còn gần 6.300 người/trận.

Với những phân tích nêu trên cho thấy, khó có thể kỳ vọng số khán giả sẽ tăng trưởng đột biến. Việc quan trọng hiện nay vẫn là phải giữ được số lượng người hâm mộ đến sân như vòng đấu đầu tiên bằng chính chất lượng giải đấu và công tác điều hành. Đặc biệt, các nhà quản lý, điều hành cần tạo nên hình ảnh về một giải đấu chuyên nghiệp hơn và bảo đảm không tiêu cực.

Vấn đề trên càng phải đặc biệt quan tâm khi trong buổi công bố nhà tài trợ Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia "Wake-up 247 V-League 1-2019", đại diện nhà tài trợ cho hay sẽ rút lui ngay nếu nhận thấy giải đấu không bảo đảm tiêu chí “sạch”.

Rõ ràng, đây là mục tiêu quan trọng của các nhà điều hành giải trước khi nghĩ tới việc tăng nguồn thu cho giải đấu từ bản quyền truyền hình, bán vé vào sân hay các hình thức khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia - 2019: Tạo bước chuyển mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.