Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp cụ thể, hành động quyết liệt

Hiền Thu| 05/11/2018 06:33

(HNM) - Quyết tâm nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội năm 2017 đã mang lại kết quả: 5/6 chỉ số thành phần tăng điểm. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đáp ứng yêu cầu...

Các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ảnh: Bá Hoạt


Bài đầu: Chuyển biến chưa đáp ứng yêu cầu

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 của TP Hà Nội có 5/6 chỉ số thành phần tăng điểm, song chỉ ở mức tăng nhẹ. Trong đó, một số nội dung đang có xu hướng tụt điểm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là còn nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng yêu cầu của thành phố trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI.

Tăng điểm, nhưng chưa thật sự yên tâm

Những chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính (cả bề rộng và chiều sâu) đã góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện đạt và vượt mức nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố và cơ sở. Tuy nhiên, Chỉ số PAPI của Hà Nội những năm gần đây vẫn xếp khá thấp.

Chỉ số PAPI được chia theo 4 nhóm xếp hạng: Cao nhất; trung bình cao; trung bình thấp; thấp nhất. Liên tiếp trong 3 năm: 2015, 2016, 2017, TP Hà Nội đều nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả qua các năm cho thấy, sự chuyển biến không đều, thậm chí còn có dấu hiệu thụt lùi. Cụ thể, nếu như năm 2015, 2016, thành phố có 3/6 chỉ số nội dung nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất thì năm 2017 có tới 4/6 chỉ số nội dung (công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công). Chỉ số PAPI tổng hợp của TP Hà Nội năm 2016 là 33,81 điểm, đến năm 2017 là 34,63 điểm (chỉ tăng 0,82 điểm) - là một trong 16 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất.

So với năm 2016, Chỉ số PAPI của TP Hà Nội năm 2017 có sự thay đổi tích cực hơn ở 5/6 chỉ số nội dung. Đó là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công. Có một chỉ số sụt giảm nhẹ là thủ tục hành chính công (từ 7,09 điểm giảm xuống 6,97 điểm).

Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy, dù có chuyển biến, nhưng mức tăng đều nhẹ. Trong đó, một số nội dung dù tăng, nhưng vẫn còn thấp so với những năm trước. Điển hình như nội dung công khai minh bạch đã từng đạt khá cao là 6,33 điểm năm 2013, nhưng năm 2017 chỉ đạt 5,27 điểm. Các chỉ số thành phần của nội dung này (kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù; công khai danh sách hộ nghèo; thu, chi ngân sách cấp xã, phường...) dù có tăng so với năm 2016, nhưng so với năm 2014 thì lại sụt giảm đáng kể.

Đáng chú ý, trong khi nội dung “thủ tục hành chính công”, điểm trung bình toàn quốc gia tăng thì TP Hà Nội lại có xu hướng sụt giảm (từ 7,09 điểm năm 2016 xuống còn 6,97 điểm năm 2017). Thậm chí, nội dung này đang có xu hướng trở lại mức điểm của các năm: 2012, 2013, 2014, lần lượt là 6,86, 6,87 và 6,85 điểm. Trong đó, người dân đánh giá thủ tục hành chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2017 là 1,56 điểm - thấp hơn năm 2016 là 1,67 điểm. Tương tự, giấy phép xây dựng cũng giảm từ 1,85 điểm năm 2016 xuống còn 1,82 điểm năm 2017.

Đặc biệt, nội dung “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” của TP Hà Nội được đánh giá thấp, nhất là ở chỉ số thành phần “đóng góp tự nguyện”. Cụ thể là, thành phố còn yếu ở việc huy động sự tham gia của người dân trong lập kế hoạch để xây dựng một công trình, sự tham gia ý kiến trong quá trình thực hiện và trong quá trình nghiệm thu công trình. Suốt 7 năm qua, kể từ khi tiến hành nghiên cứu Chỉ số PAPI, phần này của TP Hà Nội mới đạt gần 1 điểm trên thang điểm từ 0,25 đến 2 điểm.

Cấp cơ sở còn lúng túng, chưa sát sao

TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch để người dân dễ tiếp cận các thủ tục hành chính. Ảnh: Giang Sơn


Để cải thiện tình hình, tháng 7-2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND “Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội”. Theo đó, thành phố yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường sự chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ trong thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI. Thành phố cũng ấn định thời gian hoàn thành đối với từng nhiệm vụ, trách nhiệm triển khai của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, thành phố yêu cầu thực hiện đúng, đủ và tập trung cao đối với các nhiệm vụ trọng tâm.

Đơn cử như, trong nội dung duy nhất thành phố tụt điểm năm 2017 là “thủ tục hành chính công”, TP Hà Nội đã đề ra mục tiêu đạt điểm trung bình cao 7/10 điểm. Trong đó, các chỉ số thành phần: Thủ tục chứng thực, xác nhận trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch; thủ tục cấp phép xây dựng; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục hành chính cấp xã đều phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết không để người dân phải nộp thêm những giấy tờ, hồ sơ ngoài quy định. Cùng với đó, các đơn vị phải công khai, minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận các quy định thủ tục hành chính; công khai đường dây nóng, email công vụ...

Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả Chỉ số PAPI năm 2017, ở cả 4 chỉ số thành phần của nội dung “thủ tục hành chính công” đều tụt giảm. Người dân vẫn có nhiều điểm không hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng...

Từ kết quả trên cho thấy, việc triển khai Kế hoạch số 177/KH-UBND vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân được chỉ ra là, lãnh đạo các địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm nghiên cứu về Chỉ số PAPI, nhận thức vấn đề này chưa đầy đủ, dẫn tới máy móc trong xây dựng kế hoạch và lúng túng trong triển khai thực hiện.

Chỉ 19/30 quận, huyện, thị xã và 13/24 sở, cơ quan tương đương sở xây dựng kế hoạch triển khai, đạt 59,26%. Trong khi đó, chế độ thông tin, báo cáo tình hình thực hiện ở cả cấp huyện và sở, cơ quan tương đương sở chưa tốt (chỉ 5/54 đơn vị gửi báo cáo cuối năm, đạt 9,25%).

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, TP Hà Nội nên tổ chức hội nghị lớn mang tính chuyên đề về các chỉ tiêu PAPI (đây là cách mà 56 tỉnh, thành phố trong nước đã làm) để giúp chính quyền cấp huyện, cấp xã nhìn nhận đâu là vấn đề người dân chưa hài lòng, từ đó có chuyển hóa từ nhận thức sang hành động cụ thể.

Bà Huyền khẳng định, một trong những khía cạnh thành phố có thể cải thiện được ngay là thực thi các văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh. Thành phố cũng cần nhìn lại các chỉ số (PAPI, PCI, PAR Index... ) tìm, phân tích các điểm tương đồng và khác biệt. Bên cạnh đó, cần tăng cường thực hiện giám sát định kỳ và đột xuất để đánh giá đúng thực tiễn ở cơ sở.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cụ thể, hành động quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.