Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ

Linh Nhi - Hoài Thanh| 12/01/2019 06:48

(HNM) - Quyết định số 1847/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ có hiệu lực từ ngày 27-12-2018...

Việc thực hiện văn hóa công vụ góp phần xây dựng đội ngũ công chức chuẩn mực. Ảnh: Thái Hiền


Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội:
Tạo lề lối làm việc chuẩn mực

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ hướng đến xây dựng lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề án đưa ra các giải pháp thực hiện văn hóa công vụ, trong đó giải pháp đầu tiên là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Thời gian qua, cải cách hành chính đã được đẩy mạnh ở nhiều ngành, lĩnh vực từ trung ương tới địa phương.

Việc giảm bớt các thủ tục không cần thiết là một trong những giải pháp hữu hiệu để nền hành chính công ngày càng hoạt động hiệu quả; góp phần giảm bớt việc cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà cho người dân. Đặc biệt là qua đó ngăn chặn tệ “tham nhũng vặt”, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Để những quy định văn hóa công vụ đi vào cuộc sống và tạo lề lối làm việc chuẩn mực cho cán bộ, công chức, viên chức, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện văn hóa công vụ theo chương trình, kế hoạch và đột xuất.

Ông Đoàn Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ:
Giúp cán bộ và người dân gần nhau hơn

Đề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực ngay cho thấy tính cấp thiết, đáp ứng thực tiễn cuộc sống. Đề án đưa ra quy định rất cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các nội dung của Đề án là rất quan trọng để tạo cầu nối, giúp cán bộ và người dân gần nhau hơn để hướng tới nền hành chính phục vụ và khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt”. Do vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc.

Để cải thiện thái độ, cách ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức đối với người dân, trước tiên cần tạo không gian cởi mở, gần gũi. Đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ, công khai các góp ý cũng như chế tài xử lý trên website hoặc tại các cuộc họp có sự tham gia của người dân. Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức qua phản ánh trực tiếp của người dân, qua máy chấm điểm, các đơn vị giám sát nên kiểm tra ngẫu nhiên bằng cách trích xuất hình ảnh camera gắn tại các trụ sở tiếp công dân để có cơ sở cụ thể hơn khi đánh giá thái độ ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức đối với người dân.

Ông Vũ Đại Phong, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng:
Thủ trưởng cơ quan phải mẫu mực, tổ chức thực hiện

Người dân giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận Long Biên. Ảnh: Thái Hiền


Yêu cầu trong Đề án Văn hóa công vụ bước đầu là lời nhắc nhở chung với cán bộ, công chức, viên chức khi chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ. Nhờ coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan của TP Hà Nội nên quận Hai Bà Trưng tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, người dân ở các phường Bùi Thị Xuân, Bách Khoa, Đồng Tâm đã sử dụng đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại nhà sinh hoạt cộng đồng theo nguyên tắc Nhà nước cung cấp dịch vụ, nhân dân và toàn xã hội biết sử dụng dịch vụ.

Đây là cơ sở để quận hướng tới nền hành chính phục vụ, góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử và là tiền đề để cán bộ, công chức, viên chức quận Hai Bà Trưng hiện thực hóa mục tiêu Đề án Văn hóa công vụ đạt hiệu quả cao ngay từ những ngày đầu. Yêu cầu đặt ra đối với quận trong thời gian tới là phải tạo được sự thay đổi mạnh về phong cách phục vụ chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, thủ trưởng từng cơ quan phải mẫu mực, tổ chức thực hiện văn hóa công vụ hiệu quả. Kết quả thực hiện văn hóa công vụ là tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Bà Nguyễn Thị Liên, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm:
Cán bộ mẫu mực thì dân tin yêu ủng hộ

Thời gian qua, đâu đó vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức có tư tưởng cậy chức, cậy quyền, gây khó dễ, nhũng nhiễu dân bằng những việc làm sai quy định pháp luật, trái đạo đức, vi phạm trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức. Nổi lên là các biểu hiện “om” hồ sơ khi người dân đến làm các thủ tục hành chính, pháp lý về đất đai, kinh tế; chậm giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân gây bức xúc dư luận. Hy vọng, việc triển khai Đề án Văn hóa công vụ lần này của Chính phủ chóng đi vào cuộc sống; tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân ngày càng bền chặt hơn, thúc đẩy sự phát triển đi lên của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.