Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng sự hài lòng và niềm tin

Hiền Thu| 14/01/2019 06:43

(HNM) - Năm 2018 đã qua đi, nhưng dấu ấn của “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018” vẫn đậm nét. Điểm nổi bật là các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều cải tiến trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Hướng dẫn người dân tra cứu thông tin tại bộ phận “một cửa” quận Long Biên. Ảnh: Viết Thành


Trách nhiệm, gần dân

Giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được TP Hà Nội triển khai từ nhiều năm nay và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2018, kết quả càng rõ nét hơn nhờ quyết tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và việc triển khai Quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 26-2-2018 về phê duyệt Đề án “Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính TP Hà Nội, hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả”.

Tiên phong là quận Long Biên với mô hình “một cửa thân thiện, gần dân” được triển khai ngay từ những tháng đầu của năm 2018. Toàn bộ vách kính ngăn cách giữa cán bộ, công chức với công dân tại bộ phận “một cửa” của 14 phường được dỡ bỏ. Cùng với đó, nhiều phường chủ động rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trước thời hạn.

Ngoài ra, phường Đức Giang (quận Long Biên) còn có sáng kiến cụ thể hóa tiêu chí “gần dân” bằng việc trả kết quả thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội tại nhà cho các đối tượng chính sách.

Bà Vũ Thị Thu, Tổ trưởng tổ dân phố 16, phường Đức Giang, cho biết: “Tổ dân phố 16 đã có 4 gia đình được chính quyền phường đến tận nhà trao kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc làm ấy giúp người dân cảm nhận được sự quan tâm, thân thiện và gần gũi của chính quyền”.

Điểm mới nữa trong năm 2018 là, Hà Nội đưa vào thực hiện hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp (từ tháng 11-2018) để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên địa bàn thành phố (trừ các dịch vụ công trực tuyến do bộ, ngành triển khai). Ưu điểm của hệ thống này là toàn bộ quy trình giải quyết từ cấp phường đến thành phố đều được công khai, công dân có thể tra cứu, biết rõ thủ tục đang được xử lý ở khâu nào.

Khai sinh cho cháu tại bộ phận “một cửa” của UBND xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), bà Nguyễn Thị Hạnh (ở số 34, ngõ 750 thôn Nội, Thanh Liệt, Thanh Trì) nhận được kết quả chỉ sau vài giờ đồng hồ. “Tôi rất bất ngờ vì thủ tục được làm nhanh đến thế. Các thông tin đều khai trên máy tính; vướng mắc chỗ nào, cán bộ “một cửa” hướng dẫn ngay”, bà Nguyễn Thị Hạnh cho hay.

Theo chị Phạm Thị Mai, công chức tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa” của UBND xã Thanh Liệt, xã đã thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” với 2 thủ tục hành chính gồm: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế và liên thông đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế.

“Để thực hiện tốt công việc, cán bộ phải nắm vững quy trình, thao tác, hướng dẫn người dân nhập dữ liệu chính xác”, chị Phạm Thị Mai nói. Trong năm 2018, 100% hồ sơ hành chính được bộ phận “một cửa” xã Thanh Liệt giải quyết đúng hạn. Đây cũng là kết quả của nhiều phường, xã, thuộc các quận, huyện: Long Biên, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đan Phượng, Gia Lâm, Thạch Thất…

Có thể thấy, với nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nâng chất lượng phục vụ của bộ phận “một cửa”, Hà Nội đã tạo được diện mạo mới cho cơ quan hành chính, nhất là với cấp xã, phường, cơ quan hành chính gần dân nhất.

Tiếp tục nâng chất lượng phục vụ

Đánh giá kết quả của ngành Nội vụ thành phố trong năm 2018, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục trong thời gian tới. Đó là vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ chưa cao. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát của một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, thiếu hiệu quả…

Dịch vụ công trực tuyến của phường Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt


Cùng với đó, quá trình triển khai hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp cũng bộc lộ một số bất cập. Chủ tịch UBND phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) Phạm Hải Bình phản ánh: Một số quy định trong hệ thống dùng chung 3 cấp còn chưa khớp với quy định của ngành Tài nguyên - Môi trường khiến cán bộ, công chức khó thực hiện. Chẳng hạn trong lĩnh vực đất đai, có thủ tục ngành yêu cầu niêm yết công khai 15 ngày, nhưng hệ thống lại yêu cầu 10 ngày.

Bên cạnh đó, theo quy định, cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” thuộc các chức danh công chức cấp xã. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều đơn vị chưa đủ biên chế so với chỉ tiêu được giao nên gặp khó khăn khi công chức tiếp nhận hồ sơ bộ phận “một cửa” nghỉ thai sản, ốm đau… Đặc biệt, tại một số địa phương có lượng hồ sơ giao dịch nhiều như phường Đại Kim, Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai)… cán bộ “một cửa” nhiều khi bị quá tải...

Trước thực tế đó, Sở Nội vụ cho biết, trong năm 2019, thành phố tiếp tục bố trí đủ chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị, địa phương, đồng thời sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, tạo điều kiện giải quyết tốt thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, tăng sự hài lòng và niềm tin của tổ chức, công dân đối với bộ máy chính quyền.

Cũng theo Sở Nội vụ, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đơn giản tối đa các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, theo tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả) và “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

Cùng với đó là xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả; người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”. Công tác kiểm tra công vụ cũng sẽ tăng cường theo hướng đột xuất, không báo trước; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành tập trung tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, bảo đảm sự thống nhất về quy trình giải quyết thủ tục hành chính cũng như hoàn thiện hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp.

Tính đến hết năm 2018, tổng số có 1.923 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội. Trong đó, sở và cơ quan ngang sở có 1.454 thủ tục hành chính; UBND cấp huyện có 313 thủ tục hành chính; UBND cấp xã có 156 thủ tục hành chính.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sự hài lòng và niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.