Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Một cửa” chưa... chuẩn!

Phong Thu| 01/03/2019 17:00

(HNM) -  Những năm qua, TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện cơ chế


Hiện nay, bộ phận “một cửa” thành phố đang thực hiện theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 8-3-2016 về việc ban hành quy định thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị đáp ứng khá tốt về địa điểm, đầu tư trang thiết bị, nhân lực cho bộ phận “một cửa”.

Tuy nhiên, có một thực tế là bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chưa phải đơn vị nào cũng sát sao việc tổ chức thực hiện.

Trong đợt kiểm tra công vụ đột xuất những ngày làm việc đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố đã phát hiện UBND các xã, phường: Tân Triều (huyện Thanh Trì); Phúc La, Dương Nội (quận Hà Đông); Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm)... vẫn niêm yết quy định cũ của một số lĩnh vực địa chính, tư pháp.

Điều này khiến công dân không được tiếp cận văn bản mới và có thể dẫn tới hiện tượng cán bộ thực hiện không đúng quy định hiện hành khi giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Bên cạnh đó, một số lỗi kéo dài như: Ghi thiếu thông tin trong sổ tư pháp - hộ tịch; chưa cập nhật sổ sách hiện hành về lĩnh vực tiếp công dân... cũng xảy ra ở nhiều đơn vị.

Đáng chú ý, quy định về tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa" từ nhiều năm nay đều yêu cầu toàn bộ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận và trả tại bộ phận “một cửa”, song xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) vẫn tiếp nhận thủ tục hành chính lĩnh vực địa chính tại phòng chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Huy Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thượng, nguyên nhân là xã chỉ có một cán bộ địa chính, lượng việc nhiều nên không thể ngồi trực tại bộ phận “một cửa”. Trong khi đó, công chức “một cửa” của xã Cam Thượng mới chỉ tiếp nhận được các hồ sơ địa chính thông thường, còn hồ sơ phức tạp thì người dân trực tiếp gặp cán bộ địa chính tại phòng chuyên môn để được hướng dẫn giải quyết.

Phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cũng đang vướng về việc bố trí cán bộ, công chức do số biên chế hiện có thiếu so với tổng biên chế được giao. Theo ông Phạm Hải Bình, Chủ tịch UBND phường Đại Kim, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” của UBND phường đã có thâm niên 10 năm, theo quy định là phải luân chuyển mà phường chưa chuyển được vì liên quan nhiều yếu tố (biên chế thiếu, chưa có công chức khác thạo việc của bộ phận “một cửa”...).

Tương tự, tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), công chức trực bộ phận “một cửa” nhiều khi quá tải vì vừa tiếp nhận hồ sơ, vừa hướng dẫn công dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến và cuối ngày lại thống kê lượng hồ sơ, vào sổ sách để bàn giao.

Chị Phạm Thị Mai, công chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận “một cửa” xã Thanh Liệt cho biết: “Hằng ngày, sớm nhất là hơn 18h tôi mới rời cơ quan vì lúc đó công việc trong ngày mới hoàn tất”.

Thực tế trên cho thấy, các cơ quan, đơn vị ở cơ sở cần bám sát các văn bản liên quan, thực hiện đúng quy định và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm quyền lợi của tổ chức, công dân.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cấp trên cần quan tâm, sớm giải quyết các vấn đề liên quan tới nhân sự, thực hiện chế độ trợ cấp, đãi ngộ phù hợp để bảo đảm biên chế tại các cơ quan theo đúng chỉ tiêu được giao, đáp ứng yêu cầu công việc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Một cửa” chưa... chuẩn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.