Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa "làn sóng" cải cách hành chính

Nguyễn Lê| 29/04/2019 08:53

(HNM) - Từ những chuyển biến tích cực ban đầu về cải cách hành chính ở các cơ quan, đơn vị chủ chốt, thành phố kỳ vọng “làn sóng” cải cách hành chính sẽ lan tỏa sâu rộng hơn, triệt để hơn.


Anh Nguyễn Văn Phú (trú tại số 27, đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3) cho biết, do đặc thù công việc nên phải thường xuyên đến UBND phường 9, quận 3 để chứng thực hồ sơ, giấy tờ. Theo anh Phú, việc sao y, chứng thực tại phường diễn ra rất nhanh, bản thân anh và những người khác đều chấm điểm “hài lòng”, “rất hài lòng” khi được cấp phiếu khảo sát. Còn tại UBND phường 4, quận Tân Bình, nhiều người lớn tuổi đến làm thủ tục hành chính đều ngạc nhiên và xúc động khi tại quầy điền thông tin có để sẵn kính cận thị, viễn thị để người dân nào có nhu cầu hay quên mang kính có thể sử dụng.

Theo Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh, công tác cải cách hành chính của thành phố trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, rõ nét. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ quá hạn tại các cơ quan, đơn vị các cấp đã kéo giảm xuống dưới 1%; từng bước gia tăng số hồ sơ tham gia dịch vụ công trực tuyến; không sử dụng văn bản giấy; trao đổi văn bản qua các ứng dụng trực tuyến… Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện thủ trưởng các cấp, các ngành đều sử dụng ứng dụng Viber để phục vụ công việc. Khi lãnh đạo thành phố nhận công văn, văn bản từ Trung ương liền chụp lại rồi chuyển xuống các sở, ngành, quận, huyện thông qua ứng dụng Viber. Bằng cách này, việc chuyển và nhận văn bản gần như đồng thời. Đây là một trong những điểm sáng trong công tác cải cách hành chính của thành phố.

Có thể thấy, thời gian qua thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được “làn sóng” cải cách hành chính. Công tác này đã lan tỏa từ sở, ngành, quận, huyện đến tận phường, xã, thị trấn. Thành phố phấn đấu trong năm nay, 100% phường, xã, thị trấn công bố được tỷ lệ hài lòng của người dân; 24 quận, huyện phải tổ chức tiếp nhận trực tuyến ý kiến của người dân qua điện thoại, với thời gian xử lý cụ thể trong vòng 2 giờ đến 5 ngày; nâng tỷ lệ hồ sơ tham gia dịch vụ công trực tuyến ở mức cao nhất trong điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin hiện có.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đầu tháng 4-2019, thành phố đã ban hành kế hoạch kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2019. Kế hoạch này nhằm bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện kết quả chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính từ cấp sở, cấp huyện đến cấp phường, xã, thị trấn. Kế hoạch còn nêu bật vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và kết quả công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị đó.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cải cách hành chính không dừng lại ở việc cắt giảm số lượng thủ tục hành chính hay tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn mà còn ở thái độ của mỗi cán bộ, công chức khi tiếp dân. “Muốn đột phá cải cách hành chính, phải “chạm” đến trái tim của người dân. Việc để sẵn kính cho người lớn tuổi ở UBND phường 4, quận Tân Bình là minh chứng rõ nét điều đó”, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Đảng bộ thành phố, ở cơ sở thì cán bộ, công chức phải càng gần dân hơn. Trong cải cách hành chính, việc tổ chức đối thoại với dân của người đứng đầu các cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở là rất quan trọng. Theo quy định, người đứng đầu các cấp phải đối thoại với dân ít nhất mỗi năm một lần. Thành phố sẽ nghiêm túc thực hiện điều này để giải quyết dứt điểm các hồ sơ khiếu nại kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa "làn sóng" cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.