Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực cải thiện Chỉ số cải cách hành chính

Phong Thu| 11/05/2019 06:58

(HNM) - Từ kết quả PAR Index được công bố hằng năm, mỗi đơn vị đều có sự nhìn nhận, phân tích kỹ lưỡng và đề ra hướng duy trì, cải thiện của riêng mình.

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế

Theo kết quả PAR Index năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn xếp ở vị trí 30/30 quận, huyện, thị xã. Đây là sự phản ánh thực trạng công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đặc biệt là cơ sở vật chất, trang thiết bị của bộ phận "một cửa" ở một số xã, thị trấn thiếu đồng bộ dẫn tới giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Toàn hệ thống chính trị của huyện đã nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế và quyết tâm khắc phục hạn chế. Cụ thể, năm 2018, huyện Sóc Sơn ban hành gần 50 văn bản chỉ đạo, triển khai về công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung rà soát cơ sở vật chất, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành... Huyện đã hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng tiếp dân và bộ phận "một cửa" của UBND các xã còn khó khăn về cơ sở vật chất như Xuân Thu, Kim Lũ, đồng thời đầu tư trang thiết bị cho nhiều xã nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Nhân viên bộ phận “một cửa” phường Mộ Lao (quận Hà Đông) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Hữu Tiệp


Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, huyện đang quyết tâm xây dựng một nền hành chính “gần dân, trọng dân, phục vụ tốt nhân dân”. Thông qua những nỗ lực về nâng cấp cơ sở vật chất, thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông, phấn đấu 100% thủ tục giải quyết đúng hạn và trước hạn..., huyện Sóc Sơn hy vọng rằng vị trí PAR Index năm 2018 sẽ tăng ít nhất 5 bậc so với năm trước.

Tương tự, huyện Ứng Hòa - đơn vị xếp thứ 28/30 quận, huyện, thị xã về PAR Index năm 2017 cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện vị trí xếp hạng. Huyện đã trang bị bổ sung máy tính cho các xã, thị trấn, cử cán bộ, công chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về giải quyết thủ tục hành chính và thành lập tổ công tác kiểm tra đột xuất. Nhờ đó, chất lượng phục vụ tổ chức, công dân dần được nâng lên.

Còn nhớ, PAR Index năm 2016 được công bố năm 2017, huyện Phú Xuyên đứng ở vị trí 30/30 quận, huyện, thị xã và sau đó, huyện đã nỗ lực cải thiện, vươn lên vị trí thứ 24. Kinh nghiệm của Phú Xuyên là ngay sau khi kết quả được công bố, Huyện ủy đã tổ chức giao ban với lãnh đạo UBND huyện, thủ trưởng các cơ quan liên quan thuộc huyện, bí thư, chủ tịch UBND, trưởng bộ phận "một cửa" các xã, thị trấn để rút kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân và bàn giải pháp khắc phục. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, tăng giám sát thái độ, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, huyện còn tạo nhóm Zalo “Một cửa Phú Xuyên”. Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lê Thanh Hải, các thành viên của nhóm Zalo này là công chức phụ trách công tác cải cách hành chính của các cơ quan chuyên môn, đơn vị. Từ khi thành lập nhóm, các công văn, giấy tờ được triển khai nhanh hơn. Mọi người cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị mình để cùng tham khảo, góp phần nâng hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Không chỉ các đơn vị ở cuối bảng xếp hạng PAR Index coi trọng việc cải thiện chỉ số mà ngay cả các đơn vị ở tốp đầu cũng luôn có ý thức duy trì. Tiêu biểu, quận Bắc Từ Liêm xếp thứ 2 năm 2017, nhưng năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019 đã ban hành 115 văn bản chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính. Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết: “Quận luôn chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác tiếp dân, tiếp nhận hồ sơ hành chính và tăng cường kiểm tra công vụ. Qua đó, 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng thời hạn”.

Tương tự, quận Hà Đông xếp thứ 6/30 quận, huyện, thị xã năm 2017 cũng luôn chú trọng thực hiện toàn diện các nội dung của công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, quận thường xuyên kiểm tra, giám sát, chú trọng thực hiện các nội dung đã được chỉ ra sau kiểm tra và tăng cường kiểm tra đột xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn ngày càng tăng: Năm 2017 là 98,63%; năm 2018 là 99,71% và đầu năm 2019 là 100%.

PAR Index năm 2017, được công bố năm 2018, thành phố Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2019 của thành phố Hà Nội được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 7028/QĐ-UBND, ngày 28-12-2018, nêu rõ mục tiêu “Duy trì Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố năm 2019 thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước”. Một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đề ra trong kế hoạch là: “100% UBND các quận, huyện, thị xã triển khai chấm điểm, xác định Chỉ số cải cách hành chính đối với UBND cấp xã trực thuộc”.

Sắp tới, UBND thành phố Hà Nội sẽ công bố kết quả PAR Index năm 2018. Tin tưởng rằng, các đơn vị có nỗ lực, quyết tâm cao với những hành động cụ thể sẽ cải thiện được vị trí xếp hạng của mình, đóng góp vào kết quả chung của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực cải thiện Chỉ số cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.