Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyên truyền về cải cách hành chính: Đa dạng hình thức, tạo hiệu quả thực tế

Phong Thu| 03/08/2019 07:32

(HNM) - Cùng với việc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội đã chủ động đẩy mạnh các hình thức thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính. Qua đó, người dân được trang bị thêm thông tin, làm đúng hướng dẫn, góp phần nâng cao kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Đa dạng cách tuyên truyền

Cuối tháng 7-2019, chị Hoàng Kim Duyên (ở số 424 phố Bạch Mai) đến bộ phận "một cửa" của UBND quận Hai Bà Trưng làm thủ tục trích lục giấy khai sinh. Được công chức bộ phận "một cửa" đưa cho tờ hướng dẫn, trong đó ghi rõ 6 bước thực hiện, chị Duyên mạnh dạn làm thử và sau vài phút đã hoàn thành việc nộp hồ sơ trực tuyến. “Mới đầu tôi nghĩ là viết tay sẽ đỡ phức tạp hơn, nhưng làm theo hướng dẫn thì thấy thao tác trên máy cũng dễ dàng”, chị Duyên chia sẻ.

Hỗ trợ người dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam

Tờ giấy hướng dẫn đó chỉ là một trong những cách tuyên truyền về thủ tục hành chính được UBND quận Hai Bà Trưng triển khai. Chị Mạc Quỳnh Trang, công chức tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận "một cửa" của UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: “Toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính đều được cập nhật mới và niêm yết đầy đủ ở những vị trí dễ nhìn tại bộ phận "một cửa" để công dân tiện tra cứu, đồng thời đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của quận. Đối với các thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, chúng tôi in các bước thực hiện ra giấy cho công dân dễ hiểu. Nhờ đó, tỷ lệ công dân tự nộp hồ sơ qua mạng hiện nay đã đạt khoảng 70%”.

Với UBND quận Hoàn Kiếm, ngoài việc thủ tục hành chính được công khai thông tin tại bộ phận "một cửa" và trên Cổng thông tin điện tử quận thì còn được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của 18 phường. Vì vậy, chỉ có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thì một số người chưa quen, với các dịch vụ công mức độ 2 cơ bản người dân đều làm đúng. Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Thị Thu Hường cho hay: “Khi không còn hệ thống loa truyền thanh phường thì cán bộ các phường tuyên truyền bằng cách lồng ghép vào các hội nghị ở khu dân cư, tổ dân phố để người dân nắm được những nội dung mới, nhất là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”.

Đặc biệt, mô hình “khu chung cư điện tử”, các điểm hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã được nhiều phường thuộc các quận: Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông... triển khai mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, các quận phối hợp với các nhà trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu về dịch vụ công trực tuyến, qua đó các em đã giúp người thân trong gia đình cách nộp hồ sơ hành chính.

Ở khu vực ngoại thành, việc tuyên truyền về công tác cải cách hành chính có những khó khăn đặc thù do người dân chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, chưa thực sự chủ động tìm hiểu về thủ tục hành chính. Nhằm mục đích thực hiện hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông theo hướng văn minh, hiện đại, đầu năm 2019, UBND các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Gia Lâm... đã ban hành kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính trên địa bàn huyện. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Lê Thị Liễu, đây là cơ sở để các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn về công tác cải cách hành chính, qua đó tạo sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng.

Cần tiếp tục đẩy mạnh

Thực tế cho thấy, công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính nhà nước được UBND thành phố Hà Nội chú trọng chỉ đạo hằng năm. Cụ thể, ngày 9-4-2019, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND, yêu cầu công tác tuyên truyền phải tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động trong thực hiện các chỉ tiêu cải cách hành chính, trọng tâm là tăng tỷ lệ công dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của thành phố. 100% các sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện ít nhất hai hình thức thông tin, tuyên truyền (không kể hình thức niêm yết văn bản, quy trình, thủ tục); 100% các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn được thông tin, tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của thành phố...

Việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 89/KH-UBND của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì công tác tuyên truyền vẫn cần có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Chị Nghiêm Thị Phương Chi, công chức Văn phòng - Thống kê xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì) cho biết: “Dù đã niêm yết tại bộ phận "một cửa", phổ biến trong các cuộc họp ở thôn, xã song nhiều người dân vẫn đến trụ sở UBND xã hỏi cách làm thủ tục hành chính. Để tạo thói quen tự trang bị kiến thức thì các xã cần được xây dựng cổng thông tin điện tử để người dân có thể tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi”.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, thời gian tới, quận tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính từ quận đến các đơn vị, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Mỗi cán bộ, công chức phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, thuần thục về công nghệ thông tin thì mới góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người, hình thành “công dân điện tử” đủ kiến thức, kỹ năng tham gia xây dựng chính quyền điện tử.   

Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh nhận định, gần đây, công tác tuyên truyền về cải cách hành chính đã được các đơn vị chú trọng thực hiện. Đối với người dân Hà Nội thì yêu cầu đặt ra cao, khắt khe hơn nhiều nơi khác nên đòi hỏi các đơn vị phải không ngừng nỗ lực, chủ động nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền cho phù hợp thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền về cải cách hành chính: Đa dạng hình thức, tạo hiệu quả thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.