Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chính phủ điện tử: Khó khăn trong đầu tư công nghệ thông tin

Hà Phong| 10/08/2019 07:54

(HNM) - Chính phủ đang tập trung xây dựng chính phủ điện tử nhằm cải cách nền hành chính, thay đổi phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Song thực tế cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương hiện chưa dám đầu tư công nghệ thông tin vì thiếu hướng dẫn chi tiết.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa quan trọng trong triển khai chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia gửi, nhận văn bản điện tử, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).

Tính từ ngày 12-3-2019 đến ngày 21-7-2019, đã có 68.257 văn bản gửi và 203.553 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Có 85/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 62/95 bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành. 

Đặc biệt, các bộ, ngành liên quan đang triển khai 5/6 cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng trong xây dựng chính phủ điện tử, bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; đất đai; dân cư; tài chính và bảo hiểm. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử…

Một tin vui nữa là vào tháng 9-2019, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ triển khai thí điểm 2 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia là thủ tục cấp giấy phép lái xe và đổi giấy phép lái xe; từ tháng 11-2019 sẽ triển khai chính thức.

Mặc dù việc xây dựng chính phủ điện tử đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, có tác động tích cực trong việc cải cách hành chính, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng của Chính phủ. Đến cuối tháng 7-2019 còn 4 bộ, cơ quan chưa ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử. Việc xây dựng hoặc nâng cấp Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin "một cửa" điện tử của các bộ, ngành theo kế hoạch phải hoàn thành trong quý II-2019, nhưng đến nay một số đơn vị vẫn đang triển khai. Ngay cả việc tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, vẫn còn 10 cơ quan, địa phương chưa thực hiện.

Có nhiều nguyên nhân được các bộ, ngành, địa phương đề cập, song có một lý do căn bản, là thiếu khung pháp lý đầu tư công nghệ thông tin triển khai chính phủ điện tử. Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Xây dựng) Nguyễn Ngọc Quang cho biết, nhiều văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử đều cho phép ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết. Nếu có căn cứ pháp lý đầy đủ sẽ dễ triển khai hơn. Bởi hiện nay, cùng một nội dung có đơn vị chào giá hàng trăm triệu đồng, có nơi chỉ mấy chục triệu đồng, nhưng lại không biết có bảo đảm an toàn, an ninh không, việc nâng cấp về sau như thế nào...

Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Việt Hùng cho biết, nhiều bộ không dám làm vì sợ sai chứ không phải họ không biết làm.

Ở góc nhìn khác, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh đến yếu tố đặc thù. Ông Trần Ngọc Liêm dẫn chứng việc triển khai hệ thống thông tin "một cửa" điện tử, trong đó có tiếp công dân, xử lý đơn thư, ngành Thanh tra đang cố gắng nghiên cứu để đưa ra một quy trình, nhưng thực sự là khó. Vì tiếp dân là phải nghe dân nói cụ thể, thậm chí nghe hết rồi vẫn còn khó khăn do có những vụ rất phức tạp.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Đỗ Thái Hà cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ từng bước.

Về thể chế, Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra xong Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau, bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Nghị định hiện đã được gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện để sớm trình lên Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chính phủ điện tử: Khó khăn trong đầu tư công nghệ thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.