Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Bước tiến mới trong cải cách hành chính

Trọng Ngôn| 08/11/2019 08:19

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đã có thêm nhiều bước chuyển biến hiệu quả, đặc biệt sau khi triển khai đề án ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố. Được biết, thành phố đang xem xét mở rộng các đầu việc được ủy quyền cho các sở, ngành, địa phương để tiếp tục tạo bước tiến mới trong cải cách hành chính, từ đó tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chuyển biến rõ nét

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày 20-10-2018, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành đề án ủy quyền cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành, UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện 85 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố trên 4 lĩnh vực: Đô thị - môi trường; kinh tế - ngân sách - dự án; văn hóa - xã hội và tư pháp - nội vụ. Đề án có hiệu lực từ tháng 1-2019.

Từ đề án ủy quyền, công tác cải cách hành chính tại thành phố Hồ Chí Minh đạt hiệu quả rõ nét hơn.

Đến nay, việc ủy quyền đã giúp rút ngắn các khâu trung gian khi hồ sơ không phải qua sở, ngành thẩm định, sau đó trình UBND thành phố xem xét, quyết định như trước. Theo cách làm mới, các sở, ngành, UBND các quận, huyện sẽ xem xét, quyết định theo thẩm quyền đã được ủy quyền. Điều này góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, lĩnh vực đô thị rất phức tạp. Từ khi được ủy quyền, huyện đã thực hiện thông báo thu hồi đất đối với Dự án Trường Tiểu học Đa Phước (có liên quan đến 22 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức); ban hành quyết định thu hồi đất đối với Dự án đường dây 220kV Nam Sài Gòn - quận 8 (có liên quan đến 5 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức). Thực tế cho thấy, việc UBND thành phố ủy quyền cho UBND quận, huyện đã phát huy được tính chủ động của UBND huyện trong công tác lãnh đạo, điều hành tại địa phương.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau khi được ủy quyền, thời gian xử lý hồ sơ của quy trình công nhận hiệu trưởng trường trung cấp tư thục từ 20 ngày xuống còn 12 ngày làm việc (giảm 8 ngày so với quy định). Còn tại Sở Văn hóa và Thể thao, từ khi được ủy quyền, công tác giải quyết hồ sơ cấp phép lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân được thực hiện một cách nhanh chóng và không phát sinh hồ sơ trễ hạn...

Ngoài ra, thành phố còn ủy quyền cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao từ 50 ngày xuống còn 42 ngày làm việc (giảm 8 ngày so với quy định). Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thành nhanh chóng các thủ tục môi trường để phục vụ cho việc triển khai dự án.

Mở rộng đầu việc được ủy quyền

Nhằm tăng tính chủ động, công khai minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất UBND thành phố ủy quyền cho Sở thêm một số đầu việc. Cụ thể, ủy quyền cho Giám đốc Sở ký quyết định bổ nhiệm hòa giải viên lao động; ủy quyền cho Sở thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Giám đốc Sở được bổ nhiệm hiệu trưởng trường cao đẳng công lập trực thuộc (hiện thẩm quyền này thuộc UBND thành phố); ủy quyền cho Giám đốc Sở ký ban hành các quyết định hưởng trợ cấp 1 lần, bảo hiểm y tế…

Còn Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh đề nghị Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp quận, huyện ban hành quyết định tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đối với trường hợp không phải thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ.

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để công tác ủy quyền đạt hiệu quả tích cực hơn nữa, cần rà soát phân công, bố trí công chức, viên chức giải quyết các nhiệm vụ được ủy quyền phù hợp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công việc. Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng quy trình nội bộ giải quyết hồ sơ cho từng nội dung được ủy quyền để phân công và xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức góp phần cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, chú ý đến khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Đối với đề xuất các đầu việc ủy quyền mới, ông Trương Văn Lắm cho biết, phải đánh giá thật kỹ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp để khi thực hiện đầu việc ủy quyền không làm phát sinh hồ sơ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, đề án ủy quyền là chủ trương đúng đắn góp phần giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo sự chủ động tại các cơ quan, đơn vị được ủy quyền. Hiện nhiều đầu việc rút ngắn được thời gian, giảm chi phí hành chính, tăng trách nhiệm của người đứng đầu, thể hiện rõ năng lực của từng cán bộ. Tuy nhiên, việc ủy quyền còn lệ thuộc vào ý kiến của Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan. Trong khi đó, một số sở, ngành chưa mạnh dạn đề xuất mô hình, quy trình xử lý các đầu việc được ủy quyền.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn chỉnh các quy trình của 85 đầu việc đã ủy quyền; các sở, ngành, quận, huyện triển khai tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện đồng bộ các đầu việc được ủy quyền. Thành phố sẽ xem xét, đề xuất nhận ủy quyền và giao ủy quyền; trong đó xem xét, nghiên cứu lĩnh vực đầu tư công có thể ủy quyền cho cấp dưới phê duyệt theo dự án phân cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Bước tiến mới trong cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.