Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ngừng đổi mới khâu đánh giá cán bộ

Linh Vũ| 27/09/2021 06:19

(HNM) - 1. Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ.

Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018 tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã nhìn nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”.

Trước đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” cũng đã chỉ rõ, đánh giá cán bộ vẫn còn tình trạng nể nang, cục bộ.

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản nhằm đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Tại Hà Nội, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã gương mẫu, đi đầu trong đổi mới công tác cán bộ nói chung, trong đó nổi bật là công tác đánh giá cán bộ. Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội đã đánh dấu sự chuyển biến rõ nét về công tác này của thành phố. Thay vì mỗi năm một lần như trước đây, hơn 3 năm qua, hằng tháng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố đều được “chấm điểm” với thước đo là hiệu quả công việc...

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4-2021 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, “chấm điểm” cán bộ gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Những trường hợp vi phạm quy định hay thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch đều bị xử lý nghiêm. Điển hình như vụ việc Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội) bị cách chức; hay làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) vì để tập trung đông người tại một điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19...

Mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng công tác đánh giá cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cho đến gần đây, một bộ phận cán bộ ở các cấp, ngành vẫn bị truy tố, cách chức, khai trừ khỏi Đảng do những sai phạm cũ, cho thấy công tác đánh giá cán bộ ở nơi này, nơi kia còn thiếu quyết liệt, vẫn để lọt cán bộ có khuyết điểm, không bảo đảm tiêu chuẩn, tiếp tục đòi hỏi không ngừng đổi mới, hoàn thiện công tác cán bộ, trong đó có khâu đánh giá cán bộ.

2. Cán bộ luôn là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khâu đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng hàng đầu. Mới đây nhất, trong Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Bộ Chính trị nêu rõ: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Đây chính là yêu cầu mới, cao hơn nhưng cũng sát thực tiễn hơn đối với công tác đánh giá cán bộ.

Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2021-2025 và những năm tiếp theo”, Thành ủy Hà Nội cũng xác định “Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ” là khâu đầu tiên trong nhóm nhiệm vụ “Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ”.

Với quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả việc đánh giá cán bộ, Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo sửa đổi Quyết định số 3814-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy cho phù hợp với tình hình thực tiễn: Bổ sung tiêu chí đánh giá, lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ từng cá nhân; đánh giá đa chiều, liên tục, bảo đảm nguyên tắc và quy trình, dân chủ, khách quan, chính xác, công khai, minh bạch; kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể, là căn cứ chính để đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm; đồng bộ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức với đánh giá đảng viên hằng năm và là tiền đề cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng luân chuyển, điều động và sử dụng cán bộ.

Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định về đánh giá cán bộ, các cấp ủy, tổ chức Đảng còn phải xây dựng được những người làm công tác này nắm vững đường lối, quan điểm, nhiệm vụ chính trị; luôn khách quan, công tâm, vô tư. Đặc biệt, những người làm công tác đánh giá cán bộ phải là những người rất tỉnh táo, tinh tường, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, không chỉ thấy “cái mã bên ngoài” mà còn nhận rõ “cái sơ sài bên trong”.

Việc không ngừng đổi mới công tác đánh giá cán bộ đã trở thành quyết tâm chính trị của Trung ương và các cấp ủy, tổ chức Đảng, góp phần vào xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không ngừng đổi mới khâu đánh giá cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.