Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tốc xây dựng nông thôn mới

Xuân Quang| 27/03/2012 07:25

(HNM) - Sau hơn hai năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Như luồng gió mới, chủ trương xây dựng NTM đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và DN, đặc biệt là huy động toàn dân chung sức xây dựng NTM.


Thành ủy đã xây dựng Chương trình 02 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015" chỉ đạo các địa phương hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp, thay đổi cơ bản diện mạo khu vực nông thôn phù hợp với quá trình phát triển chung của Thủ đô và đất nước.


Thi công cải tạo hệ thống mương thoát nước tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thái Hiền

Những kết quả bước đầu là rất khả quan

Trong hai năm qua, Hà Nội đã chọn 19 xã điểm ở 19 huyện, thị xã khẩn trương khảo sát, lập đề án, triển khai xây dựng NTM để đúc kết kinh nghiệm về phương pháp, bước đi, cách làm khi triển khai rộng trên địa bàn toàn TP. Kết quả giai đoạn làm điểm đã cơ bản thành công. Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ được trung ương chọn làm điểm, khi bắt đầu xây dựng NTM chỉ đạt 1/19 tiêu chí thì nay đã có 18/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Xã Song Phượng huyện Đan Phượng từ 2/19 tiêu chí đạt nay đã có 16/19 tiêu chí đạt; xã Mai Đình huyện Sóc Sơn lúc đầu triển khai có 1/19 tiêu chí đạt nay đã đạt 13/19 tiêu chí; xã Đại Áng huyện Thanh Trì từ xã có 4/19 tiêu chí đạt thì nay đã có 12/19 tiêu chí đạt. Đối với 15 xã điểm còn lại của các huyện, thị xã có 11 xã đạt hoặc cơ bản đạt từ 10-13 tiêu chí, chỉ còn 4 xã đạt dưới 10 tiêu chí là xã Đa Tốn huyện Gia Lâm, xã Đồng Tân huyện Ứng Hòa, xã Đại Đồng huyện Thạch Thất, xã Nghĩa Hương huyện Quốc Oai.

Điểm nhấn quan trọng là tại các xã điểm, nhận thức của người dân về NTM được nâng cao, có nhiều hình thức tổ chức sản xuất mới, nhiều HTX chuyển đổi và thành lập mới làm tốt khâu dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Đặc biệt một số dự án được triển khai đã cơ cấu lại ngành nghề, tổ chức lại sản xuất hình thành các vùng hàng hóa, tập trung nâng cao thu nhập cho người dân tạo bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Cùng với chỉ đạo làm điểm, Hà Nội đã triển khai rộng chủ trương xây dựng NTM tạo làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ ở các địa phương. Tất cả các xã đều tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng để huyện, xã bắt tay vào xây dựng NTM. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lê Thiết Cương cho biết, đến thời điểm này đã có 15/19 huyện lập xong đề án trình Ban chỉ đạo TP phê duyệt, trong đó 3 huyện Đông Anh, Thanh Trì và Gia Lâm đã được thành phố phê duyệt đề án. Hiện đã có 325 xã lập xong đề án xây dựng NTM trong đó có 125 xã được UBND huyện phê duyệt. Hai năm qua, ngân sách các cấp đã đầu tư qua các chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố và lồng ghép mỗi năm từ 7.000 đến 8.000 tỷ đồng/năm kết hợp cùng với nhiều nguồn lực khác để đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn. Thành phố đã phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" vận động được 38 DN ủng hộ 213 tỷ đồng, bên cạnh đó, 9 huyện đã phát động các DN ủng hộ 100 tỷ đồng.

Chương trình xây dựng NTM của Hà Nội được trung ương đánh giá cao với sự nỗ lực trong chỉ đạo, thực hiện và triển khai. Nhiều huyện đã chủ động triển khai đạt kết quả, các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Sóc Sơn làm tốt công tác dồn điền đổi thửa; một số huyện có sáng tạo trong quy hoạch như Mê Linh, Đan Phượng. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, nhiều xã làm tốt việc tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp cho quê hương như xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã huy động được 71 tỷ đồng và hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng đường thôn, xóm và huy động hàng nghìn ngày công cho công trình của địa phương; tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) nhân dân đóng góp hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng đường giao thông...

Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên đánh giá toàn diện chương trình vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Mới đây tại hội nghị bàn về nhiệm vụ năm 2012, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 Nguyễn Công Soái cho rằng: Trong chỉ đạo và thực hiện Chương trình 02 còn những tồn tại và khó khăn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, chưa tâm huyết và thấy rõ trách nhiệm trong tổ chức triển khai và thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động còn yếu, chưa tạo sức lan tỏa nên một bộ phận cán bộ và người dân chỉ trông chờ sự đầu tư của nhà nước. Công tác quy hoạch chậm, việc đầu tư dàn trải thiếu trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực đầu tư cho sản xuất, công trình phục vụ sản xuất chưa tương xứng nên sản xuất chưa tạo đột phá. Do ruộng đất manh mún nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.

Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban chỉ đạo Chương trình 02 Hoàng Thanh Vân cho rằng: Với khối lượng công việc rất lớn, nếu các sở, ngành không tập trung chỉ đạo, hỗ trợ thì cơ sở còn khó khăn. Thủ tục thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất phức tạp nên không huy động được nguồn lực tại chỗ để thực hiện các dự án; Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nguồn lực cho xây dựng NTM chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước. Nhiều xã vẫn khoán trắng cho các đơn vị tư vấn lập đề án mà chưa xuất phát từ ý tưởng và thực tế của địa phương nên nội dung chưa sát thực tế, nặng về xây dựng hạ tầng nên khó triển khai, thiếu tính khả thi. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trần Vũ Lâm cho rằng, trong 19 tiêu chí NTM có một số tiêu chí khó đạt trong thời gian ngắn như thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, nước sạch môi trường, văn hóa… Thành phố chưa có văn bản quy định thống nhất về cơ chế huy động nguồn lực, phân bổ nguồn vốn và chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn nên cơ sở khó thực hiện.

Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ

Chương trình phát triển NTM cần tăng tốc để 19 xã điểm phải hoàn thành các tiêu chí nhằm tổng kết rút kinh nghiệm triển khai diện rộng. Trong 10 tháng còn lại của năm 2012 phải tập trung chỉ đạo và thực hiện công việc trọng tâm đó là phê duyệt Đề án xây dựng NTM của 19/19 huyện, thị xã; hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch của 100% số xã (401 xã). Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chương trình 02 Nguyễn Công Soái chỉ đạo: Cần "xốc" lại công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đề nghị các sở, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung về cơ chế, thủ tục để tháo gỡ cho cơ sở, hướng dẫn các xã thực hiện theo hướng đơn giản dễ thực hiện. Phân cấp cho cấp huyện giải quyết và chịu trách nhiệm theo quy định. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư theo hướng ưu tiên, hỗ trợ ngân sách cho công tác lập đề án, quy hoạch, các dự án sản xuất, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ban chỉ đạo thành phố phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã để kiểm tra tiến độ, công việc trong quá trình triển khai NTM.

Để đẩy nhanh tiến độ NTM, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 Trần Xuân Việt khẳng định, UBND TP đang hoàn chỉnh các cơ chế chính sách trình HĐND TP phê duyệt, trong đó có cơ chế huy động nguồn lực, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn xây dựng NTM và đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các sở NN&PTNT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư bố trí vốn cho các huyện, yêu cầu rõ nội dung, hạng mục ưu tiên và chính sách quản lý, sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Sở NN&PTNT, Sở Tài chính khẩn trương đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm NTM từ trưởng, phó thôn, xóm trở lên.

Sau hai năm xây dựng NTM, Hà Nội đã tạo ra điểm nhấn khác biệt với những mô hình NTM khởi sắc được người dân tin tưởng, đồng tình và hưởng ứng. Những vướng mắc đang được tháo gỡ từng bước, kinh nghiệm triển khai đã được tổng kết, chắc chắn chương trình xây dựng NTM sẽ được Hà Nội thực hiện thành công, trở thành địa phương đi đầu cả nước xây dựng NTM giàu đẹp, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.