Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Thị Quang Thái - Người cộng sản kiên trung

ANHTHU| 09/09/2005 09:03

Quê nội chị ở làng Nhân Chính (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), sinh năm 1915 ở TP Vinh (Nghệ An) trong một gia đình yêu nước, là em ruột chị Nguyễn Thị Minh Khai, là vợ đồng chí Võ Nguyên Giáp, tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi và hy sinh anh dũng khi chưa đến tuổi 30...

Quê nội chị ở làng Nhân Chính (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), sinh năm 1915 ở TP Vinh (Nghệ An) trong một gia đình yêu nước, là em ruột chị Nguyễn Thị Minh Khai, là vợ đồng chí Võ Nguyên Giáp, tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi và hy sinh anh dũng khi chưa đến tuổi 30...

Chị là Nguyễn Thị Quang Thái. Trong khi giúp đỡ chị mình hoạt động cách mạng, Quang thái đã sớm giác ngộ và đã tham gia cách mạng từ năm 1929. Năm 1930, chị bị thực dân Pháp bắt vì “tội” tham gia lãnh đạo phong trào nữ sinh, kêu gọi ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, bị kết án 3 năm tù giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Nhiều bạn tù ngày đó còn lưu giữ mãi bài thơ của chị về khí phách của một thiếu nữ anh hùng trước cảnh nước mất, thân mình bị tù đày chỉ vì ủng hộ chính nghĩa. Họ cũng nhắc nhau về một câu nói sâu sắc, thủy chung của chị - một cô gái 16 tuổi - với các bạn tù: “Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai”.

Trong nhà tù chị vẫn nhớ về hình ảnh người thanh niên gặp lần đầu trênchuyến tàu Hà Nội - Vinh - Huế. Đó là năm 1929, khi chị vào Huế theo học trường nữ sinh Đồng Khánh, còn anh Võ Nguyên Giáp trên đường trở về Huế (nơi anh đang học tại trường Quốc học) với tư cách là đại diện Tổng bộ đảng Tân Việt, lúc đó đặt trụ sở tại Huế. Sau lần gặp đầu tiên ấy, anh chị còn gặp lại nhau trong hoạt động cách mạng và cả trong nhà lao Thừa Phủ. Tình yêu của họ nảy nở và ngày càng thắm thiết. Cuối năm 1931, Quang Thái và nhiều cán bộ của Tân Việt trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Chị cũng được trả tự do nhưng bị quản thúc ở địa phương.

Năm 1935, chị kết hôn cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp. Hai người ra Hà Nội và cùng tiếp tục hoạt động cách mạng. Chị hết lòng chăm lo cuộc sống và công việc của chồng. Bản thân chị tiếp tục phụ trách phong trào nữ tri thức và công thương, tham gia xây dựng Hội truyền bá quốc ngữ... Đầu năm 1940, phong trào cách mạng phải rút vào bí mật. Con gái Võ Hồng Anh còn quá nhỏ, nên chị Quang Thái không thể cùng chồng đi thoát ly. Theo chủ trương của Đảng, anh Giáp phải lên đường sang Trung Quốc gặp đồng chí Nguyễn ái Quốc, nhận nhiệm vụ mới. Chị Quang Thái bồng con nhỏ bí mật đến gặp chồng trên đường Cổ Ngư. Họ không ngờ đó là lần chia tay vĩnh biệt...

ở lại Hà Nội, chị vừa nuôi con, vừa tiếp tục hoạt động cách mạng, đảm đương thêm nhiệm vụ thông tin liên lạc cho Trung ương Đảng. Năm 1942, Nguyễn Thị Quang Thái bị giặc Pháp bắt lần thứ 2 và bị kết án 16 năm tù, giam tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Trong lao tù chị đã hết lòng chăm sóc, ân cần động viên chị em, đồng chí dũng cảm, kiên quyết chiến đấu với kẻ địch, chống đàn áp, chống chế độ hà khắc của nhà tù. Không chỉ động viên tinh thần mọi người, chị Quang Thái còn tích cực dạy văn hóa cho bạn tù. Không có giấy bút, mọi người dùng gạch non viết trên sàn xi măng nhà lao. Chị đã bất chấp mọi cực hình tra tấn, kiên quyết giữ vững khí tiết của người cộng sản, trong đó có việc kiên quyết không khai đường dây liên lạc với đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Đông Xuân năm 1943-1944, do điều kiện sống khắc nghiệt, tại nhà lao Hỏa Lò xảy ra dịch thương hàn. Với kiến thức y khoa có được trong thời gian ngắn học tại Đại học Y Hà Nội (chị bị đuổi học do hoạt động cách mạng trong giới học sinh - sinh viên), Quang Thái đã hết lòng chăm sóc các bệnh nhân, không quản vất vả, hiểm nguy, bệnh tật. Cuối cùng chị đã kiệt sức và lâm bệnh. Anh em trong nhà lao Hỏa Lò đã đấu tranh quyết liệt, buộc bọn quản ngục phải đưa chị Quang Thái tới “Nhà thương làm phúc” (khoa Lây bệnh viện Bạch Mai ngày nay). Nhưng chị đã quá kiệt sức vì bị tra tấn, vì bệnh tật không thể gượng dậy được nữa. Chị hy sinh ở tuổi 29 khi thắng lợi của cuộc cách mạng thần thánh giải phóng dân tộc đã đến rất gần...

Không sinh ra tại Hà Nội, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của người đảng viên trẻ tuổi, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái luôn gắn bó mật thiết với Thủ đô yêu dấu. Phẩm chất cao đẹp, tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất, lòng thủy chung son sắt với đồng chí, đồng bào của chị mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Thị Quang Thái - Người cộng sản kiên trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.