Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm

Võ Lâm| 03/10/2013 06:20

(HNM) - Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TƯ, ngày 3-6-2013

Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai Nghị quyết 25 của các Đảng ủy trực thuộc TƯ và một số tỉnh, thành ủy phía Bắc do Ban Dân vận TƯ tổ chức mới đây đã khẳng định: Nếu cấp ủy các cấp không đầu tư xứng đáng, đi vào thực chất, việc triển khai Nghị quyết sẽ dần rơi vào tình trạng hô khẩu hiệu là chính.

Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 25 là bước đi đầu tiên mà cấp ủy các cấp phải làm trước khi bàn đến hiệu quả thực hiện. Chương trình, kế hoạch càng cụ thể, sát thực tế càng thuận lợi trong việc triển khai, thực hiện và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, không ít cấp ủy chưa làm tốt phần việc quan trọng này. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận TƯ Nguyễn Thế Trung, không ít tỉnh, thành phố xây dựng chương trình hành động còn mang tính hình thức. Ý kiến của một số đại biểu cho thấy, tình trạng rập khuôn, sao chép chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 25 vẫn diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, nhất là cấp cơ sở. Còn có hiện tượng chương trình, kế hoạch nêu quá nhiều đầu việc, không rõ trọng tâm, trọng điểm…

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đóng vai trò quyết định, phải dựa trên bối cảnh, tình hình cụ thể ở từng địa phương, đơn vị. Đơn cử như Hà Nội, để xây dựng chương trình hành động được Ban Dân vận TƯ đánh giá cao, Ban Dân vận Thành ủy đã tổng kết thực tiễn, phân tích tình hình với báo cáo dài 26 trang giấy khổ A4. Tuy nhiên, ngay cả có sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực từ thành phố, vẫn còn địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch hành động không đạt yêu cầu. Điều này đòi hỏi để hình thành các chương trình, kế hoạch hành động thực chất, không rập khuôn, sao chép, các cấp ủy cấp trên vừa phải chủ động hướng dẫn, vừa phải tăng cường kiểm tra, giám sát để nhắc nhở kịp thời.

Từ chương trình hành động, khi triển khai lại tiếp tục cần có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Ở góc độ này, Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong việc dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng là một trong những dẫn chứng tiêu biểu cho cách làm dân vận bám sát thực tiễn, hiệu quả cao. Về tổng thể, tỉnh này có đề án về công tác dân vận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Về lĩnh vực, tỉnh có đề án dân vận trong giải phóng mặt bằng, đề án dân vận phục vụ phát triển nông thôn mới. Đối với sự vụ cụ thể như vận động 700 hộ dân sống tự do trên vịnh vào bờ, di dân ra đảo hay đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, Quảng Ninh đều xây dựng đề án dân vận riêng. Cách làm này đã đem lại tác dụng rõ. Trong đó phải kể đến việc Quảng Ninh vận động được 1.100 tỷ đồng xây dựng đường điện ra đảo Cô Tô (dự kiến khánh thành trong tháng này) từ chỗ gần như "tay trắng".

Nếu làm tốt, công tác dân vận đem lại hiệu quả rất lớn. Nghị quyết 25 cho thấy quan điểm đề cao công tác dân vận trong tình hình mới của Đảng ta. Không ít cấp ủy đã nhận thức sâu sắc vấn đề này, vận dụng tốt quan điểm của Đảng, coi trọng đúng mức công tác dân vận như Hà Nội, Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, không phải cấp ủy nào cũng nhận thức đầy đủ nhiệm vụ này trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp TƯ Bùi Văn Cường cho biết, có không ít trường hợp khi xây dựng chính sách thì ít quan tâm đến ý kiến của dân vận, nhất là những ý kiến phản ánh nguyện vọng, ý chí của dân, đến khi xảy ra vướng mắc như trong giải phóng mặt bằng mới "cầu viện" đến dân vận. Tình trạng này diễn ra phổ biến trước khi có Nghị quyết 25, nhưng hiện nay chưa thay đổi nhiều. Không có sự đồng thuận của nhân dân, việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của các cấp ủy, chính quyền khó có thể thành công. Đây là lúc các cấp ủy, chính quyền cần nghiên cứu, quán triệt rõ trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 25 để đặt công tác dân vận về đúng vị trí cần thiết.

Chỉ khi thật sự coi trọng công tác dân vận, huy động cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận thì việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mới đạt đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Đây là cơ sở để không còn tình trạng cán bộ dân vận cứ miệt mài thuyết phục người dân, nhưng ngành khác, lĩnh vực khác lại cản trở công việc đó. Đây là thực tế đã được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi đề cập khi nói về mối liên hệ giữa công tác dân vận và vấn đề xây dựng chính sách. Ông cho rằng, nếu chính sách không ổn định, nay thế này mai thế kia, nói dân không tin thì không thể làm dân vận được. Các chương trình, kế hoạch hành động sẽ rơi vào tình trạng hô khẩu hiệu là chính. Để thực hiện Nghị quyết 25 thành công, không còn cách nào khác là phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách đồng bộ, có trách nhiệm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.