Theo dõi Báo Hànộimới trên

Âm vang Điện Biên Phủ

PGS.TS Phạm Xuân Hằng| 07/05/2014 06:15

(HNM) - Kể từ thế kỷ thứ III TCN đến cuối thế kỷ XX, nhân dân Việt Nam đã trải qua 17 cuộc chiến tranh chống xâm lược. Với hành trang là lòng yêu nước và ngọn cờ chính nghĩa, dân tộc Việt Nam đã trải mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.



Từ cội nguồn của hai tiếng “đồng bào”, tổ tiên người Việt đã chia nhau lên rừng, xuống biển, bạt núi, khơi sông thành đất nước. Cái thuở bình minh đất nước ấy, cuộc sống rất giản dị, đơn sơ như nhành cây, ngọn cỏ, như trái núi dòng sông, nhưng lòng nhân ái chân thực ấy đã bị phụ bạc nên nỗi “Nỏ thần sơ ý trao tay giặc”, (Tố Hữu) khiến vận nước đổi thay.

Chặng đường “đền nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng, rồi ý chí quật cường “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!” của Triệu Thị Trinh đến sự khẳng định giang sơn của mình mà xưng Đế ở trời Nam của Lý Bí đã tạo ra dòng chảy mạnh mẽ của tinh thần tự chủ, tự cường làm cho Bạch Đằng giang nổi sóng đưa Ngô vương về kinh đô cũ Cổ Loa (năm 938) và đưa Lê Hoàn về kinh đô Hoa Lư (năm 981).

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Anh Tuấn


Qua dặm dài hơn nghìn năm có lẻ, dân tộc ta khẳng định “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”, đập tan quân Tống xâm lược, để rồi lại rền vang hào khí Đông A suốt ba cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng chống Nguyên - Mông, Bạch Đằng giang lại cuộn sóng lần thứ ba nhấn chìm quân thù vào năm 1288.

Từ cốt cách bất khuất ấy đã toát lên mưu lược “Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo). Đến khi sục sôi phất cao cờ chính nghĩa mà “Đánh cho để răng đen, đánh cho để tóc dài. Đánh cho xe không thể trở về, áo giáp bị tả tơi. Đánh cho lịch sử biết rằng Nam quốc anh hùng là có chủ” (Hịch Quang Trung). Nước non này là có chủ cho nên “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (Hồ Chí Minh).

Với hào khí nghìn năm, nhân dân Việt Nam đã vùng lên dưới ngọn cờ giải phóng để rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh Người khai sinh ra Nhà nước công nông đầu tiên ở Việt Nam hùng hồn tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Tuyên ngôn độc lập).

Mấy nghìn năm dặm dài trường chinh dựng nước và giữ nước đã làm nên cốt cách văn hóa Việt Nam. Thế nhưng các thế lực thực dân, đế quốc đã không hiểu được lịch sử và văn hóa đất nước này. Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã phá hoại nền độc lập của nhân dân Việt Nam vừa giành được. Nhà nước công nông non trẻ thiết tha có hòa bình để phấn đấu cho tự do, hạnh phúc, nhưng thực dân Pháp chỉ muốn chiến tranh. “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Thực dân Pháp đẩy nhân dân ta vào cuộc chiến 9 năm trường kỳ gian khổ, để rồi phải chịu thất bại nặng nề. 39 năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, khi nói về nguyên nhân chiến tranh Pháp - Việt, Tổng thống Pháp Phrăngxoa Mittơrăng đã phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 1993: “Tôi nhớ cuộc đi thăm nước Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm người đối thoại, nhưng không tìm được người đối thoại ở Phôngtennơblô (Fontainnebleau). Lúc ấy chúng ta đã buộc Việt Nam phải chiến đấu. Về phía Pháp, đó là một sai lầm”#. Nỗ lực cuối cùng của Việt Nam cho hòa bình qua ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giữa năm 1946 đã không thành hiện thực.

Nhân dân Việt Nam coi lời phát biểu của Tổng thống Pháp Phrăngxoa Mittơrăng là một cái nhìn khách quan, tôn trọng sự thật trong quá khứ. Đồng thời, ông có một tư duy sòng phẳng và dũng cảm trước sự thật lịch sử. Cái nhìn khách quan ấy đã góp phần tạo sự xích lại gần nhau giữa hai nước để cùng phát triển. Đúng như câu nói: Lịch sử là một cuộc đối thoại không bao giờ dứt giữa hiện tại với quá khứ.

Thế kỷ XX, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong số rất ít sự kiện nổi bật mang tầm vóc thời đại của lịch sử thế giới trong thế kỷ XX. Tri thức thế giới về đấu tranh giải phóng dân tộc không thể không nhắc tới “mốc lịch sử Điện Biên Phủ”. Minh chứng là trong nhiều bách khoa toàn thư đã đề cập mục từ Điện Biên Phủ, chẳng hạn như: Cuốn Larousse xuất bản ở Pari năm 2000; Bách khoa toàn thư lịch sử Châu Á, xuất bản ở Mỹ năm 1988; Bách khoa toàn thư của Đại học Columbia (Mỹ) 2001; Từ điển bách khoa Brockhauss Lexikon (CHLB Đức) 1982… Mục từ Điện Biên Phủ được giải nghĩa: Nơi quân đội và nhân dân Việt Nam đánh bại đội quân viễn chinh Pháp do tướng Đờ Cátxtơri chỉ huy và góp phần vào kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Hay, trận đánh kết thúc hoàn toàn chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam, mở đầu thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa; và tương tự như thế. Việc ghi nhận, đánh giá trong bách khoa thư của nhiều nước là sự ghi nhận những hy sinh, đóng góp trí tuệ và bản lĩnh của nhân dân Việt Nam đối với nhân loại tiến bộ, tạo một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Việt Nam và góp phần làm biến đổi cục diện chính trị thế giới có lợi cho các dân tộc bị áp bức.

Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 1946-1954, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, lại vừa xây dựng quân đội. Giai đoạn 1946-1950 nhân dân ta hoàn toàn tự lực cánh sinh, dựa vào trí tuệ, sức lực của mình để đánh địch và thắng địch. Chỉ sau chiến thắng Biên giới tháng 10-1950, nhân dân ta mới có điều kiện nhận sự giúp đỡ, viện trợ vật chất của Trung Quốc, Liên Xô.

Nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ, không thể không nhắc tới sự kiện thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Sự kiện ấy diễn ra sáng 26-1-1954, nhưng trước đó hơn 10 ngày là thời gian trăn trở của thiên tài quân sự thời đại Hồ Chí Minh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại hội nghị Đảng ủy mặt trận, Tổng Tư lệnh - Bí thư Đảng ủy mặt trận nêu những suy nghĩ của mình về tình hình thay đổi của địch, về sự chuẩn bị chiến đấu của ta. Và, đặt vấn đề: Đã nên nổ súng chưa và đánh nhanh có bảo đảm chắc thắng không?

Trong hồi ký của mình, Đại tướng viết, hội nghị trao đổi một hồi chưa đi đến kết luận, vì có những ý kiến cho là, nếu không đánh ngay, vấn đề hậu cần tiếp tế và công tác lãnh đạo tư tưởng sẽ khó khăn phức tạp, nhất là khi tinh thần chiến đấu của bộ đội sau chỉnh huấn đã lên rất cao, khí thế tiến công đã sục sôi. Cuối cùng, Đại tướng kiên quyết khẳng định: “Vô luận tình hình nào, chúng ta phải nắm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, rồi Đại tướng thẳng thắn đề nghị mọi người trả lời câu hỏi: Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không”. Một số đảng ủy viên nói “Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời”, “Làm sao dám đảm bảo như vậy”, “Nếu yêu cầu chắc thắng trăm phần trăm thì khó”. Cuối cùng, “Đảng ủy nhất trí, nếu đánh theo kế hoạch cũ thì có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có cách khắc phục”. Thế là chí đã thuận, tâm đã đồng nên “mệnh lệnh lui quân, kéo pháo ra được chấp hành như mệnh lệnh chiến đấu”. Thay đổi phương châm tác chiến mở ra một chiến cục mới, những thuận lợi, khó khăn mới, những quyết tâm mới để toàn thắng. Sự thay đổi cách đánh khơi nguồn sáng tạo lớn trong nghệ thuật quân sự đánh bao vây, chia cắt, tiêu diệt từng cứ điểm trên chiến trường Điện Biên Phủ. Bài học này được phát huy trên quy mô lớn hơn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và Đảng ta đúc kết thành đường lối chiến tranh: Đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh đổ hoàn toàn trong thế trận ba thứ quân để kết hợp tiến công và nổi dậy.

Sau 60 năm nhìn lại, Điện Biên Phủ, sự kiện có tầm vóc quốc gia và thế giới vẫn âm vang và thôi thúc nhân dân ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Sự nghiệp đổi mới của nhân dân Việt Nam được Đảng ta khởi xướng 30 năm trước, thực chất cũng là một sự “chuyển hướng phương châm tác chiến” để tấn công vào nghèo nàn, lạc hậu đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Công cuộc đổi mới đất nước cũng đang đòi hỏi sự kiên trì, trí tuệ, bản lĩnh trong trường kỳ “đánh chắc, tiến chắc”. Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn tỏa sáng trong công cuộc đổi mới hôm nay.

Trong cuộc chiến đấu này, đất nước ta đang có những cơ hội thuận lợi và cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, làm việc tùy tiện, vô nguyên tắc... (như Đảng ta đã chỉ ra), đang là những lô-cốt cản trở sự phát triển đất nước.

Âm vang Điện Biên Phủ 60 năm trước đang đòi hỏi những người cầm quân các cấp - “người đứng đầu” sự gương mẫu trau dồi những tố chất nhân cách: Có trí tuệ, có trái tim nóng bỏng và đôi bàn tay sạch. Và khi đó, trước sức mạnh của lòng dân, những lô-cốt án ngữ con đường phát triển đất nước sẽ bị san phẳng. Đất nước này lại có những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa…, Điện Biên Phủ và mùa Xuân Đại thắng trong sự nghiệp đổi mới theo hướng Dân giàu, Nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Âm vang Điện Biên Phủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.