Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các bộ sẽ không đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN

Vân An| 03/11/2014 15:00

(HNMO) - Chiều 3-11, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với 08 chương, 50 điều.


Đề xuất bỏ quy định bộ đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước

Theo dự thảo Luật, ngoài các nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ theo quy định của Hiến pháp, Chính phủ thực hiện việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; kinh tế; tài nguyên và môi trường; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch; y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; chính sách xã hội; công tác dân tộc; công tác tôn giáo; quốc phòng; an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; đối ngoại và hội nhập quốc tế; tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ, công chức; thanh tra, kiểm tra, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chính quyền địa phương; về phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương.

Dự thảo Luật quy định chi tiết và đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ nhằm xác định rõ vai trò của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ và là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chủ động lãnh đạo Chính phủ khởi xướng, hoạch định kịp thời cơ chế, chính sách, đề xuất xây dựng thể chế pháp luật, quyết định và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước theo thẩm quyền, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính.

Về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, dự thảo Luật đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Bao gồm: Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ có nhiệm vụ chủ động tham gia có hiệu quả vào hoạt động của tập thể Chính phủ và chịu trách nhiệm trước tập thể Chính phủ về các nhiệm vụ được phân công với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Về bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, dự thảo Luật đã quy định về bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng bỏ chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ; quy định cơ quan thuộc Chính phủ là tổ chức sự nghiệp công lập, thực hiện nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công quan trọng, thiết yếu phục vụ nhân dân; không có chức năng quản lý nhà nước và chịu sự quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực.

Phải khắc phục tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ và nhiều nội dung của Dự án Luật.

Ủy ban pháp luật đề nghị, dự thảo Luật cần tập trung: (1) cụ thể hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; (2) phân định thẩm quyền của Bộ trưởng với tư cách là thành viên của Chính phủ và Bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; (3) xác định, phân định rõ lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót lĩnh vực không có cơ quan quản lý; (4) khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, lên Thủ tướng Chính phủ; (5) xây dựng cơ chế khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định của Hiến pháp về việc người đứng đầu Chính phủ có nghĩa vụ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban pháp luật cho rằng, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ cần đặt trong mối quan hệ với nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ. Mặt khác, cần phân biệt với các thành viên khác của Chính phủ, phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ như trong thời gian qua. Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định trong Hiến pháp.

Ủy ban cũng đề nghị cân nhắc 04 thẩm quyền sau của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp quy định của Hiến pháp: Trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Mặt khác, dự luật cần tiếp tục rà soát, cân nhắc các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, quyết định tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức; quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức…

Về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban pháp luật đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước là của Bộ, cơ quan ngang bộ hay của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, để từ đó có cơ sở xác định rõ vai trò của cá nhân hay tập thể và quy định rõ trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp luật đề nghị bổ sung các quy định để làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các thành viên khác của Chính phủ về hoạt động của Chính phủ, về nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực; trách nhiệm của thành viên Chính phủ trước Thủ tướng Chính phủ, trước Chính phủ, trước Quốc hội và trước nhân dân. Đồng thời, đề nghị cân nhắc, bổ sung quy định về trách nhiệm chính trị của các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Về nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, đa số thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với việc không quy định bộ có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, nội dung này trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 cũng chưa có sự đánh giá rõ ràng. Vì vậy, Ủy ban pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ để quy định cụ thể về cơ chế tổ chức, hoạt động nhằm thực hiện chức năng này trong dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bộ sẽ không đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.