Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Báo chí không cần nhiều, chỉ cần tinh"

Bảo Hân| 14/11/2015 17:21

(HNMO)-

Quy hoạch báo chí cần tính đến yếu tố đặc thù

Chiều 14/11, các ĐB thảo luận về Dự án Luật báo chí (sửa đổi). Tại tổ TP.HCM, bàn về quy hoạch báo chí, ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang cho rằng, tại các địa phương có nhiều cơ quan báo chí, hoạt động báo chí sôi động như Hà Nội, TP. HCM cần tính đến tính đặc thù chứ không nên cào bằng như các địa phương khác chỉ có một đến hai tờ báo.

ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang phát biểu tại Tổ TP.HCM chiều 14/11


ĐB Thuỳ Trang cũng đề nghị cần có quy định ưu đãi cao nhất về thuế cho cơ quan báo chí, vì báo chí không phải là các đơn vị kinh doanh thuần tuý mà còn thực hiện chức năng tuyên truyền. 

“Hiện nay mới chỉ ưu đãi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo ín, đề nghị cần phải áp dụng cho cả báo điện tử; Ngoài ra cần miễn thuế giá trị gia tăng về các sản phẩm quảng cáo, phát hành cho cơ quan báo chí”.

Về quản lý hoạt động báo chí, cần có quy định để tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, cần phải giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho những người đứng đầu cơ quan báo chí nhiều hơn.

ĐB Nguyễn Văn Minh đề xuất việc điều chỉnh các trang mạng cá nhân trong dự án Luật này. “Trước sự bùng nổ thông tin của các trang mạng cá nhân, tôi cho rằng cần có sự điều chỉnh để quản lý. Nếu không điều chỉnh thì luật báo chí lần này sẽ không giải quyết được những vấn đề căn bản. Nhiều người nói khó, nhưng nếu không quy định thì không thể quản lý nổi, bởi giờ nhiều trang cá nhân viết nhiều bài rất có vấn đề” - Ông Minh nói.

"Thời gian vừa qua có sự bùng nổ thông tin, bùng nổ các cơ quan báo chí, trong đó có không ít tờ báo hoạt động kém hiệu quả, đưa thông tin không đúng tôn chỉ mục đích. Có những cơ quan báo chí phải tự chủ hoàn toàn, một số báo vẫn được cung cấp tài chính, ngân sách để hoạt động. Cần phải sắp xếp lại đầu mối để quản lý chặt với các cơ quan báo chí hưởng ngân sách để hoạt động. Còn với những cơ quan báo chí tự chủ thì phân loại rõ ra để quản lý dễ dàng hơn. Về lâu dài có thể nghiên cứu cho phép báo chí tư nhân hoạt động nhưng phải quản nội dung tốt" - ĐB Bùi Thị An nêu thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý báo chí.

Quy hoạch "ăn nhập" với sửa Luật Báo chí

Tại tổ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Luật Báo chí sau khi sửa đổi lần đầu tiên vào năm 1999, sau 16 năm tiến hành sửa lần 2, là Luật lớn thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về tự do báo chí chứ không phải đến khi có Hiến pháp năm 2013 mới thể hiện điều này.

"Sau 16 năm, hoạt động báo chí xuất hiện nhiều bất cập, nhất là trong tình hình hiện nay, CNTT phát triển mạnh mẽ, tác động đến đời sống báo chí, làm thay đổi phương thức hoạt động và loại hình báo chí. Ngày nay, xu hướng báo điện tử phát triển mạnh mẽ, một trang điện tử có thể thay thế tất cả các cơ quan báo chí khác. Thời kỳ hội tụ phải chấp nhận điều đó.

Ở nước ta hiện nay có nhiều cơ quan báo chí. Tất cả các tỉnh thành đều có đài PT-TH. Không có nước nào lại có báo ở các bộ, ngành như nước ta. Chính vì vậy, tự do báo chí rất mạnh mẽ. Về mặt xã hội phải tổ chức lại lực lượng báo chí sao cho mạnh hơn"- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nêu ra thách thức cho những người soạn thảo Luật sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son


Tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết trước đây dự thảo có đưa vào một số chế tài quản lý đối với trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội. Tuy nhiên, sau đó thấy đối tượng này đã được quy định trong Điều 20 của Nghị định 72. Nếu đưa trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội vào Luật Báo chí thì vô hình chung sẽ chấp nhận cả báo chí tư nhân. Sau này sẽ nâng Nghị định 72 lên thành Luật.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định nhất quán quan điểm báo chí cách mạng, hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, không thương mại hoá báo chí, không tư nhân báo chí... Báo chí không cần nhiều mà cần tinh. Quản lý báo chí là làm cho báo chí phát triển mạnh hơn, số lượng phù hợp hơn.

Về triển khai quy hoạch báo chí, theo Bộ trưởng Sơn là quá trình ăn nhập với việc sửa Luật để nâng cao chất lượng báo chí, tổ chức cơ quan báo chí gọn nhẹ, giảm thiểu cấp ngân sách cho cơ quan báo chí.

"Hiện nay có quá nhiều cơ quan báo chí sống vào ngân sách nhà nước. Nhà nước cấp tiền in báo rồi lại bỏ tiền ra mua. Đó là thực tế mà chúng ta vẫn tồn tại duy trì. Bộ Chính trị đã kết luận quy hoạch báo chí rất quan trọng và thực hiện với tinh thần "dễ làm trước, khó làm sau",  thực hiện thí điểm từ nay đến năm 2025.

Trước đó, chiều 4/11, trình bày Tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Dự thảo lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

So với Luật Báo chí hiện hành, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có một số nội dung mới cơ bản về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, cơ quan quản lý và nội dung quản lý nhà nước về báo chí, xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "Báo chí không cần nhiều, chỉ cần tinh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.