Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với lãnh đạo thành phố

Bảo Hân - Ảnh: Viết Thành| 30/09/2017 08:17

(HNMO) - Sáng 30-9, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV.

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu mở đầu buổi làm việc.


Dự buổi làm việc có đồng chí Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội còn có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, lãnh đạo TAND, Viện KSND thành phố và các sở, ban, ngành của thành phố...

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh, qua buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH thành phố sẽ nắm bắt tình hình của thành phố, đặc biệt là tâm tư nguyện vọng của các cử tri để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIV.

Dự kiến nội dung chương trình làm việc của Kỳ họp được Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu thông báo ngay sau đó.

Thành phố đạt nhiều kết quả phát triển tích cực

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị từ năm 2011 đến năm 2016 trên địa bàn thành phố Hà Nội...

Một số kết quả nổi bật được nêu lên như: 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,1%; thu NSNN trên địa bàn đạt trên 146.000 tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ; chi ngân sách hơn 41.000 tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán. Khách du lịch quốc tế 9 tháng đầu năm đạt 3,54 triệu lượt, tăng 23,5%...

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo thường xuyên; công tác quy hoạch, duy trì trật tự đô thị có nhiều đổi mới; trật tự văn minh đô thị đã có chuyển biến rõ nét; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Thành phố cũng cơ bản hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách; tiếp tục thực hiện cơ giới hoá công tác vệ sinh môi trường.

Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tăng cường các hoạt động đối ngoại, hỗ trợ, hợp tác với các địa phương...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như: công nghiệp vẫn tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm dần, tính cạnh tranh còn chưa cao; vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép... còn xảy ra; hiện tượng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè có lúc, có nơi còn diễn ra; một bộ phận cán bộ làm việc còn chưa hết trách nhiệm; lãnh đạo, cán bộ ở cấp cơ sở có lúc, có nơi còn gây phiền hà cho người dân; trên địa bàn vẫn xảy ra dịch bệnh như sốt xuất huyết...

Báo cáo cũng nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong 3 tháng cuối năm và việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị từ năm 2011-2016 trên địa bàn thành phố.

Đề xuất tiếp tục không sáp nhập một số sở

Trên cơ sở đó, UBND thành phố nêu một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội: Sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với một số nội dung cụ thể: cho phép Hà Nội được chủ động lựa chọn nhà đầu tư ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh (Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai); phân cấp, uỷ quyền cho thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A có vốn ngân sách thành phố.


Về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi quyền hạn của mình nghiên cứu sửa đổi Khoản 3 Điều 16 của Luật này, cho phép kế thừa sử dụng lại các giấy chứng nhận đủ điều kiện, giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề có điều kiện mà hộ kinh doanh đã được cấp phép, góp phần giảm thời gian, chi phí khi gia nhập thị trường.

Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị, khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, khu công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghệ cao; quản lý phát triển nhà và công sở.

Thành phố cũng nêu các đề xuất về cải tạo xây dựng chung cư cũ; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, việc thu hồi đất và triển khai dự án hai bên tuyến đường theo quy hoạch được duyệt; tiếp tục duy trì không sáp nhập các Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Xây dựng, Giao thông Vận tải để phù hợp với thực tiễn đô thị lớn...

Cử tri Hà Nội bức xúc về các khoản thu tự nguyện nhưng như... bắt buộc

Tại buổi làm việc, thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Bùi Anh Tuấn đã có báo cáo tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV.

Các ý kiến của cử tri bao trùm nhiều lĩnh vực như: giao thông vận tải, phòng chống tham nhũng, lãng phí, môi trường, giáo dục, trật tự đô thị...

Đáng chú ý, cử tri cho rằng, tại thời điểm này đã bắt đầu vào năm học mới. Tình trạng các trường, lớp có các khoản thu tự nguyện nhưng như "bắt buộc" khiến người dân băn khoăn và bức xúc vì "đóng góp tự nguyện thì ấm ức, không đóng lại sợ con mình bị trù úm". Vì thế, cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. (Xem chi tiết tại đây)


Còn 32 "điểm đen" giao thông, nhưng ách tắc không quá 30 phút

Trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố, kiến nghị cử tri, một số đại biểu Quốc hội nêu thêm các vấn đề mình quan tâm và đề nghị lãnh đạo thành phố làm rõ các giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, cải tạo nguồn nước tại các con sông đang bị ô nhiễm của thành phố; tình trạng an ninh trật tự trong nội đô, tại các tuyến phố đi bộ...

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã lần lượt giải đáp hàng chục vấn đề mà cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm.


Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc.


Về ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố còn 32 "điểm đen" có hiện tượng ùn ứ nhưng việc ách tắc kéo dài quá 30 phút đã giảm hẳn.

"Đây là vấn đề làm thường xuyên, quyết liệt và mang tính lâu dài. Từ đầu năm 2016 đến nay, các chương trình xây dựng liên quan đến hạ tầng giao thông đều được thành phố quan tâm. Ngày 10-3-2016, thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đã họp và đề xuất Thủ tướng Chính phủ 7 công trình giao thông cấp bách. Đến nay, chúng ta đã hoàn thành được 2 công trình (cầu vượt Trần Khát Chân, cầu vượt Cổ Linh) và đang tiếp tục hoàn thiện 5 công trình còn lại.

Thành phố cũng đang chuẩn bị toàn bộ các dự án để đầu tư giai đoạn 2016-2020. Trong 52 công trình trọng điểm, có 39 dự án giao thông đã được thực hiện khẩn trương. Với việc làm cấp tốc và nhanh như hiện nay, hy vọng đến năm 2020, cơ bản các tuyến giao thông như vành đai 1, 2, 3, 2.5, 3.5 và vành đai 4 sẽ hoàn thành. Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để đủ tiền thi công các dự án này" - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết.

Ngoài ra, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã xây dựng xong kế hoạch và đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”. 

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND thành phố cho biết sẽ tiếp tục giao Công an thành phố phối hợp với quận Hoàn Kiếm chấn chỉnh hiện tượng mất vệ sinh môi trường, thả rông chó, chèo kéo khách du lịch... tại các tuyến phố đi bộ của Hà Nội.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng thông tin cụ thể về các nhóm giải pháp mà Hà Nội đã, đang và sẽ thực hiện nhằm cải tạo chất lượng nước các sông, hồ trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm bầu không khí... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với lãnh đạo thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.