Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thống đốc Lê Minh Hưng: Dư nợ cho vay bất động sản là trên 400.000 tỷ đồng

Nhóm phóng viên HNMO| 17/11/2017 07:59

(HNMO) - Sáng nay (17-11), bước sang ngày thứ hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời các chất vấn đại biểu dành cho từ chiều 16-11.

11:03 17/11/2017

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao phần trả lời của Thống đốc

Đánh giá về phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, trúng vấn đề. Mặc dù lần đầu trả lời chất vấn nhưng Thống đốc Lê Minh Hưng đã nắm chắc tình hình, thực trạng, trả lời thẳng, làm rõ các vấn đề được đại biểu nêu và đưa ra các giải pháp khắc phục. Phần trả lời của Thống đốc NHNN nhận được sự hài lòng của ĐBQH và được cử tri đánh giá cao.

Qua chất vấn cho thấy, thời gian qua, các giải pháp điều hành của NHNN cơ bản phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và sự chỉ đạo của Chính phủ, giữ được sự ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối và tăng dự trữ ngoại hối, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng đề ra, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, góp phần quan trọng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với nợ xấu được triển khai và đạt được kết quả ban đầu theo mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, lĩnh vực thuộc nhóm chất vấn này vẫn còn nổi lên tồn tại, yếu kém, hạn chế mà nhiều ĐBQH đề cập như: Công tác điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều thách thức, việc tiếp cận nguồn vốn cho vay còn khó khăn, cơ cấu lại ngân hàng yếu kém đạt hiệu quả chưa rõ nét, kết quả xử lý nợ xấu còn hạn chế, tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn ở mức cao và diễn biễn phức tạp, tình trạng sở hữu chéo chưa được xử lý dứt điểm...

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thống đốc, các trưởng ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề:

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp diễn biến thị trường; có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chất lượng, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nghiên cứu sớm sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, chú trọng cho vay nông nghiệp công nghiệp cao, có giải pháp hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai, lũ lụt sớm khôi phục hoạt động sản xuất, ổn định đời sống.

Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá, triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay hỗ trợ ngư dân, cho vay nhà ở xã hội, cho vay tín dụng sinh viên, học sinh; rà soát hoạt động cho vay để triển khai các dự án BOT giao thông.

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định về tổ chức hoạt động của các TCTD; triển khai hiệu quả đề án, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành, đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hỗ trợ hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán qua mạng, tăng cường huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong nhân dân để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tập trung xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, xử lý căn bản và thực chất nợ xấu, có các giải pháp phù hợp để khuyến khích cá nhân, tổ chức có tiềm lực tham gia tái cơ cấu các TCTD. Trong năm 2018, rà soát sửa đổi các quy định về hoạt động hệ thống tín dụng nhân dân đảm bảo hiệu quả, tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đặc biệt là kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện kịp thời yếu kém trong hoạt động của TCTD để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo trật tự kỷ cương và an toàn trong hoạt động ngân hàng.

10:43 17/11/2017

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phần chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.

10:12 17/11/2017

Khả năng năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt 18-19%

Trả lời câu hỏi về tăng trưởng tín dụng của đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng không phải là mục tiêu bắt buộc các tổ chức tín dụng đạt được mà chỉ là định hướng trong chỉ đạo chính sách tiền tệ. Lịch sử tăng tín dụng qua các năm và tình hình thị trường cho thấy, khả năng năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt từ 18-19%, nhưng quan trọng nhất là tăng trưởng phải đi kèm với kiểm soát rủi ro, đảm bảo chất lượng và có biện pháp quản lý chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản – lĩnh vực có rủi ro cao.

Đối với lĩnh vực cho vay chứng khoán, tín dụng chứng khoán, các ngân hàng cho vay khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối năm 2016 và nợ xấu rất thấp. NHNN quy định, các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay lĩnh vực này và chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán trong giới hạn 5% vốn điều lệ.

10:11 17/11/2017

Dư nợ cho vay bất động sản là trên 400.000 tỷ đồng

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về kết quả thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đã báo cáo chi tiết nội dung này trong chiều 16-11. Tới đây, ngành sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan, đặc biệt là tòa án nhân dân các cấp, cơ quan thi hành án và một số cơ quan liên quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung Quốc hội cho phép trong Nghị quyết.

Thống đốc cũng thông tin thêm, kể từ ngày 15-8-2017, khi Nghị quyết có hiệu lực, đến nay, kết quả xử lý nợ xấu đạt gần 15.000 tỷ đồng - đây là con số khá tích cực. Đồng thời, tổng số nợ xấu được xử lý từ đầu năm đến nay là khoảng 78.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống. Riêng Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) năm nay dự kiến xử lý nợ xấu được khoảng 20.000 tỷ đồng (từ năm 2013 đến nay, tổng số nợ đã xử lý là khoảng 60.000 tỷ đồng). Đây cũng là kết quả khả quan.

Trước lo ngại của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về dòng tiền tín dụng chảy vào bất động sản có nguy cơ rủi ro cao, Thống đốc cho biết, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại hiện nay khoảng trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Tỷ trọng tín dụng này giảm so với mức của năm 2016 (là 7,7%).

"Chúng tôi có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản bằng các quy định về tỷ lệ an toàn, quy chế về sử dụng vốn vay ngắn hạn, cho vay trung - dài hạn và công tác thanh tra để tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng vào bất động sản" - Thống đốc nói.

09:59 17/11/2017

Nợ xấu cho vay đóng tàu có xu hướng tăng

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) về khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị định 67 và giải pháp xử lý, Thống đốc NHNN cho hay, đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới và nâng cấp khoảng 1.055 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay khoảng 10.500 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới và nâng cấp tàu đạt 9.600 tỷ đồng, dư nợ đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 22% so với thời điểm 31-12-2016. 


Các NHTM đã giải quyết 93% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của các chủ tàu; trong đó UBND các tỉnh, thành phố đã phê duyệt 1.986 tàu đóng mới, nâng cấp đủ điều kiện được hưởng chính sách. Các NHTM mới nhận được 1.249 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu, trong đó có hơn 100 chủ tàu chủ động rút hồ sơ vay vốn hoặc ngân hàng từ chối cho vay vì không đủ điều kiện.

Về khó khăn khi triển khai, hiện nay, nợ xấu có xu hướng gia tăng do nhiều chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Đến nay, phát sinh trên 50 khoản vay có dư nợ trên 600 tỷ đồng quá hạn tại 11/28 tỉnh, thành phố ven biển; trong đó, 16 phần vay đã bị chuyển thành nợ xấu do tàu đóng mới không đảm bảo chất lượng, chủ tàu không có khả năng đóng mới hoặc khai thác... trong khi Nghị định 67 chưa có cơ chế chuyển tàu; rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng như thiết kế chưa phù hợp, kết quả khai thác hải sản... cũng ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ của chủ tàu; thời gian hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm ngắn so với thời gian vay vốn gây khó khăn cho các ngân hàng khi xử lý rủi ro các khoản vay và việc quản lý dòng tiền...

Về giải pháp, NHNN đã tổng hợp đầy đủ vướng mắc trong quá trình làm việc với các ngân hàng, địa phương và kiến nghị Chính phủ các biện pháp xử lý. NHNN cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

09:25 17/11/2017

Quyền và lợi ích của người gửi tiền luôn được bảo đảm

Trả lời chất vấn của đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) về các giải pháp góp phần giảm tín dụng đen và cho vay nặng lãi , Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để hoạt động an toàn, lành mạnh cũng là một trong những giải pháp góp phần trực tiếp bảo đảm khả năng tiếp cận vốn.

Thời gian tới, NHNN tập trung chỉ đạo phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, đặc biệt là hệ thống của ngân hàng nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng tài chính vi mô... để cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa mà không có mạng lưới.

Việc phát triển mạng lưới kèm theo đa dạng hoá tiện ích ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận vốn của khách hàng có nhu cầu, góp phần giảm tín dụng đen và cho vay nặng lãi trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Về các tiêu chí đánh giá ngân hàng để cử tri và người dân yên tâm, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu, trong bất cứ trường hợp nào, các phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều đặt mục tiêu đầu tiên là an toàn hệ thống, củng có lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không để đổ vỡ hệ thống và ngoài tầm kiểm soát.

Trong trường hợp cụ thể, NHNN sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét để có giải pháp đặc biệt xử lý trong tình huống đặc biệt, nhưng vẫn với mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

"Thời gian tới, với việc tăng cường công tác cơ cấu lại và thanh tra giám sát ngân hàng thì chất lượng hoạt động của ngân hàng sẽ bảo đảm mục tiêu an toàn, ổn định hơn" - Thống đốc NHNN khẳng định.

09:06 17/11/2017

Sở hữu chéo ngân hàng đã cơ bản được xử lý

Về vấn đề sở hữu chéo chưa được giải quyết dứt điểm mà đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua yêu cầu chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại các cổ phần của TCTD... Đến nay, tình hình sở hữu cổ phần, sở hữu chéo đã được giải quyết cơ bản. Các ngân hàng đã minh bạch và đại chúng hơn, cổ đông và nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã được nhận diện, xử lý. Các nhóm chi phối hoạt động ngân hàng đã giảm rất mạnh.



Đến nay, không còn cá nhân sở hữu trên 5% vốn điều lệ các ngân hàng thương mại cổ phần; số các TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm 7 cặp (năm 2012) còn 2 cặp; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp (năm 2012) còn 2 cặp; số TCTD có cổ đông sở hữu trên 15% từ 19 TCTD (năm 2012) nay còn 4 tổ chức. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tình hình sở hữu chéo là phức tạp, khó phát hiện, kiểm soát đối với những trường hợp cố tình nhờ người đúng tên hộ, đòi hỏi thanh tra pháp nhân kỹ lưỡng mới phát hiện được.

Bên cạnh đó, việc xử lý sở hữu chéo còn hạn chế do việc thoái vốn cổ đông gặp khó khăn vì chưa tìm được đối tác mua lại phần vốn; thoái vốn ngoài ngành có quy mô lớn có thể gây tổn thất cho TCTD và doanh nghiệp nhà nước vì có nhiều doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần tại TCTD; việc thoái vốn liên quan đến điều kiện thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Để khắc phục và xử lý sở hữu chéo, cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra về sở hữu, chuyển nhượng tài chính, cho vay, kiên quyết xử lý vi phạm về sở hữu cổ phần, cổ phiếu của TCTD, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Trong đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến khái niệm người có liên quan để tạo cơ sở xác định cổ đông đích thực và cổ đông hưởng lợi cuối cùng; tiêu chuẩn điều kiện với chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên; quy định về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông tại TCTD; quy định về góp vốn, mua cổ phần của TCTD... Nếu dự luật được thông qua, việc sở hữu chéo sẽ được xử lý triệt để, minh bạch hơn. 

09:00 17/11/2017

Xếp hạng tín nhiệm của NHNN chỉ được công bố với tổ chức tín dụng

Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) về việc công khai cho người dân chỉ số xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN thực hiện việc xếp hạng các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ban hành từ năm 2008. Sau gần 10 năm triển khai quyết định này, còn nhiều điểm chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý và quy định của pháp luật.



Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và để phù hợp với hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam, NHNN đã xây dựng dự thảo thông tư quy định về xếp hạng các tổ chức tín dụng để thay thế Quyết định số 06, trong đó dự kiến đánh giá phân loại cả ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các tổ chức tín dụng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng sẽ được đánh giá theo các tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường; có những nhóm tiêu chí cả định lượng, định tính. Định kỳ hằng năm, NHNN sẽ đánh giá xếp hạng các tổ chức tín dụng và kết quả xếp hạng này được công bố tới từng tổ chức tín dụng.

Về ý kiến đại biểu nêu, có công bố công khai cho người dân không, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, chỉ công bố kết quả này với tổ chức tín dụng. Lý do vì hiện nay các tổ chức xếp hạng quốc tế đã có công bố thông tin xếp hạng tín nhiệm với mục tiêu cung cấp thông tin tham khảo cho nhà đầu tư và người gửi tiền về việc xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng thương mại, từ đó giúp nhà đầu tư và người gửi tiền đưa ra quyết định đầu tư của mình. 


Ở trong nước, tới đây sẽ phát triển các công ty xếp hạng tín nhiệm để có thể xếp hạng các ngân hàng. Còn các ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý tiền tệ, cũng theo thông lệ của các nước, thực hiện việc xếp hạng các ngân hàng, tổ chức tài chính để phục vụ mục đích nhà nước, ban hành chính sách về an ninh tiền tệ, thanh tra, giám sát thị trường tài chính, ngân hàng với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. 


Căn cứ vào kết quả xếp hạng, NHNN sẽ có hành động và biện pháp quản lý phù hợp với tình hình hoạt động và sự lành mạnh của từng ngân hàng, như sử dụng kết quả xếp hạng để đánh giá mức độ an toàn và lành mạnh của tổ chức tín dụng; kịp thời phát hiện các tổ chức tiềm ẩn rủi ro để có biện pháp ngăn chặn và cảnh báo sớm...

08:58 17/11/2017

Nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn của toàn hệ thống ngân hàng hiện khoảng 566.000 tỷ đồng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về làm rõ tình trạng nợ xấu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: "Báo cáo của NHNN đã nêu rõ số liệu nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng và cũng đã báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 3 về tình hình nợ xấu".

Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 9-2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,34%, giảm so với mức 2,46% vào cuối tháng 9-2016. Nhưng đánh giá một cách thận trọng, nhiều khoản nợ có thể tiềm ẩn trở thành nợ xấu, cộng thêm nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho công ty VAMC mà chưa xử lý được thì nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9-2017 là khoảng 566.000 tỷ đồng, tức giảm hơn so với con số 600.000 tỷ đồng vào cuối năm 2016.

Như vậy, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay vào cuối tháng 9-2017 là ở mức 8,61%, giảm so với con số 10,08% ở cuối năm 2016. Đó là nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nhưng nếu tính nợ xấu, nợ xấu tiềm ẩn và các khoản đã bán cho VAMC thì nợ xấu ở mức cao hơn.

08:29 17/11/2017

Gian lận giao dịch thẻ gia tăng

Liên quan đến biện pháp bảo đảm quyền lợi khách hàng, bảo đảm an ninh an toàn trong thanh toán, gian lận liên quan đến thanh toán điện tử, thanh toán thẻ mà đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hoà Bình) nêu, Thống đốc cho biết, các hành vi gian lận trong thanh toán thẻ gia tăng đáng lo ngại, diễn ra ở các nước. Theo thống kê của tổ chức phát hành thẻ, trên thế giới, số tiền thiệt hại từ gian lận là trên 21 tỷ USD - là số tiền rất lớn, bình quân 100 USD giao dịch thẻ thì thiệt hại 7 cent. Ở Việt Nam, tỷ lệ thiệt hại bằng 1/3 mức bình quân của các nước trên thế giới nhưng gần đây, hiện tượng gian lận này đang gia tăng.

Nguyên nhân là hệ thống ATM bị cài đặt sao chép đánh cắp dữ liệu; hệ thống thông tin bảo mật ngân hàng còn lỗ hổng; người sử dụng sơ suất trong bảo quản thông tin lưu trữ... nên kẻ gian lợi dụng. Cũng có nguyên nhân là đơn vị chấp nhận thẻ thông đồng với đối tượng xấu để thực hiện hành vi gian lận.

Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 17-11.


NHNN đã ban hành quy định trực thủ tục và quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng về bồi hoàn trong một số trường hợp. Nhiều tổ chức tín dụng đã ứng tiền, miễn lãi suất trong thời gian tìm nguyên nhân.

Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện quy định pháp lý về an ninh an toàn trong thanh toán điện tử, đổi thẻ từ sang thẻ chip, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn bảo mật trong thanh toán, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra thanh toán thẻ; đẩy mạnh truyền thông từ tổ chức ngân hàng, nâng cao cảnh giác trong giao dịch thẻ; phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ, xử lý gian lận, cảnh báo cho người sử dụng nâng cao bảo mật... Các biện pháp này sẽ góp phần hạn chế hành vi gian lận về giao dịch thẻ.

Về vấn đề khách hàng bị mất tiền trong tài khoản, tạo ra sự lo ngại cho khách hàng và biện pháp mang lại niềm tin cho khách hàng mà đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn, Thống đốc NHNN cho biết, khi xảy ra các trường hợp này, NHNN đã kịp thời chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố kiểm tra, xác minh thông tin; yêu cầu TCTD liên quan phối hợp điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, khách hàng. NHNN cũng yêu cầu TCTD xây dựng biện pháp kiểm soát giảm thiểu rủi ro, tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định phòng ngừa hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống đốc Lê Minh Hưng: Dư nợ cho vay bất động sản là trên 400.000 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.