Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh tra Chính phủ triển khai công tác năm 2018

Thành Tâm| 16/01/2018 08:58

(HNMO) - Sáng 16-1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác thanh tra năm 2018. Dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.



Năm 2017, toàn ngành đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính và 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất, đã kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 24.253 tỷ đồng, 12.645 ha đất; ban hành 148.026 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2.924 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Về công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 9 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, ban hành 5 kết luận. Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.523 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 3.100 cơ quan, đơn vị. Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện 498 đơn vị có vi phạm; kiến nghị xử lý 589 tổ chức, 803 cá nhân; chấn chỉnh những khuyết điểm, tồn tại và chấn chỉnh nhiều thiếu sót, vi phạm trong thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Các địa phương triển khai khá đồng bộ các cuộc thanh tra trách nhiệm, gồm: Bắc Kạn, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Đà Nẵng, Đăk Lắk, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Nam, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang...

Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 5.606 cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ quan thanh tra đã phát hiện 88 đơn vị có vi phạm. Tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2017: Số người đã kê khai tài sản, thu nhập 1.113.422 người (tăng 10,8% so với năm 2016); đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai: 1.111.818 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Cơ quan Thanh tra đã xử lý 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 2 người đã bị xử lý hình sự; 14 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức như: Cảnh cáo, khiển trách, các trường hợp còn lại đang trong quá trình xử lý.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 87 vụ việc với 123 người có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 70% số vụ việc, 45% số người so với năm 2016), trong đó: Công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 50 vụ, 80 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 22 vụ, 24 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 15 vụ, 19 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác thanh tra phải bám sát, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các cấp, các ngành. Ngành sẽ đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra theo chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc, chú trọng thực hiện tốt mục tiêu của thanh tra là tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; phát hiện mô hình mới, có hiệu quả để nhân rộng; thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Ngành sẽ tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý kịp thời sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Năm 2018, toàn ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp...

Tham luận tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã trình bày một số biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo Thanh tra thành phố rà soát các quy định về tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; ban hành “Quy trình về tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo”. Thành phố đã củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường giám sát đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân. Các cơ quan, đơn vị đều nghiêm túc thực hiện việc công khai lịch tiếp công dân. Lãnh đạo UBND thành phố duy trì lịch tiếp công dân định kỳ...

Với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bước đầu đã có những chuyển biến rõ rệt, đạt được một số kết quả tích cực. Các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp hơn 41 nghìn lượt công dân, tăng 27% so với năm 2016; tiếp 502 lượt đoàn đông người đến khiếu nại tố cáo, tăng 17% so với năm 2016; lãnh đạo các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp định kỳ và đột xuất hơn 13 nghìn lượt công dân, trong đó lãnh đạo UBND thành phố tiếp 415 lượt công dân. Công dân được tiếp, hướng dẫn, giải thích, xử lý đơn thư theo đúng qui định pháp luật nên đã giảm khiếu kiện vượt cấp...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cần phải cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ thành chương trình hành động cụ thể. Ngành cần triển khai thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, thực thi pháp luật; kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật. Thanh tra Chính phủ cũng cần khắc phục những tồn tại cơ bản trong việc chậm ban hành kết luận thanh tra, kịp thời tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo xử lý các vi phạm phát hiện qua thanh tra. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu toàn ngành, các địa phương phải triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; không để công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, phát sinh điểm nóng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu, ngành Thanh tra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tập trung phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng, với tinh thần xử lý nghiêm minh, bất kể người vi phạm là ai. Ngành Thanh tra cần tăng cường quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho hoạt động của ngành Thanh tra có hiệu quả; tăng cường phối hợp trong ngành và với các ngành liên quan, coi đây là biện pháp quan trọng để tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong kết luận, xác định biện pháp xử lý; chú trọng phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để hạn chế trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đối với công tác xây dựng lực lượng Thanh tra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị ngành đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra; nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp thanh tra, đặc biệt là xây dựng đội ngũ thanh tra “liêm chính, bản lĩnh, trung thành”. Ngành Thanh tra phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Ngành phải là trụ cột, tiên phong và gương mẫu trong việc thực hiện 2 mục tiêu quan trọng Chính phủ đề ra: “Kỷ cương, kỷ luật và phòng, chống tham nhũng”. Thanh tra Chính phủ phải có giải pháp giải quyết để khắc phục tình trạng mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong nội bộ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra Chính phủ triển khai công tác năm 2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.