Theo dõi Báo Hànộimới trên

8 kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2018

Bảo Hân| 02/04/2018 20:13

(HNMO) - Đầu cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cung cấp một số thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: VGP


Theo đó, về tình hình kinh tế-xã hội, tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với 8 kết quả nổi bật:

Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý I-2018 tăng 7,38% (cao hơn quý I-2017 là 5,13%, cao hơn quý I-2016 là 5,45% và là mức tăng  cao nhất trong 10 năm qua của quý I các năm). Bốn động lực chính của tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, tăng 9,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,48%, năm 2016 tăng 7,16%); ngành chế biến chế tạo, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9%; ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05% (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,08%, năm 2016 -1,31%); ngành dịch vụ tăng 6,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, năm 2016 tăng 5,98%).

Thứ hai, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,21%). CPI bình quân quý I năm 2018 chỉ tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; tăng 0,97% so với tháng 12-2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nikkei vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3-2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á (Myanmar đạt 53,7 điểm) có điểm số cao nhất, trên 50 điểm.

Thứ tư, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ; tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Thứ năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng 41,9% và tăng tới 16,9%.

Thứ sáu, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% (cùng kỳ đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 21,1%).

Thứ bảy, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 mà VCCI vừa công bố hôm 22-3, cho thấy những thông tin khởi sắc, điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh cấp địa phương của Việt Nam đã có những cải thiện rất ấn tượng theo thời gian, đặc biệt là trong năm vừa qua. Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ tám, thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh (1.170 điểm) 11 năm qua, cho thấy niềm tin thị trường rất tốt.

Tuy nhiên, với tinh thần nhìn nhận thẳng thắn, Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại để tập trung khắc phục.

Cụ thể, tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng (có gần 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký), nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm trước có gần 26.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước đó; số vốn đăng ký tăng 45,8%). Có trên 12.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,9%, số doanh nghiệp giải thể trên 3.300 (trên 91% là doanh nghiệp nhỏ), tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước tăng thấp hơn cùng kỳ, chỉ tăng 4,4% (trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 5,3%, năm 2016 tăng 5,9%) và thấp hơn các khu vực khác (khu vực ngoài nhà nước tăng 16,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1%). Đáng lưu ý, giải ngân từ vốn ngân sách Trung ương quản lý vẫn tăng thấp (khoảng 4,2%), trong khi đó vốn ngân sách địa phương tăng 10,5%.

Mặc dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, không thể chủ quan về lạm phát.

Công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ do trong năm 2017 và quý I vừa qua đã tăng rất cao.

Thương mại có thể gặp khó khăn do áp lực bảo hộ thương mại và các biện pháp phòng vệ từ các nước.

Sản xuất nông nghiệp đã dần ổn định và có bước tăng trưởng, nhưng biến đổi khí hậu và biến động thị trường tiếp tục gây ra nhiều ảnh hưởng. Tình hình vi phạm môi trường, tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp...

Về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018, Chính phủ thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo. Do đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không hài lòng, tự mãn với những kết quả đã đạt được mà phải kiên trì, khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới...

Tại phiên họp, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính trên các lĩnh vực: Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; văn hóa, xã hội, môi trường; quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thông tin truyền thông...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.