Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm

Đan Nhiễm| 06/04/2018 16:24

(HNMO) - Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ký ban hành Văn bản số 04-HD/UBKTTƯ về “Hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TƯ, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”.


Hướng dẫn cũng giải thích rõ hơn những nội dung liên quan đến: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm các quy định về bầu cử; vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ; vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm; vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Một số nội dung cụ thể của văn bản như sau:

Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 13 “Thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội” về vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm, Hướng dẫn nêu rõ: Con của đảng viên phạm tội mà đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới gồm: Con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó.

Về Điểm a, Khoản 1, Điều 15 “Viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong cùng một đơn tố cáo”, Hướng dẫn nêu rõ: Đơn tố cáo giấu tên là đơn không ký và không ghi rõ họ tên. Đơn tố cáo mạo tên là đơn ký hoặc ghi tên người khác vào đơn tố cáo. Trực tiếp viết đơn tố cáo cho nhiều người cùng ký tên. Phác thảo đề cương, đọc nội dung đơn tố cáo cho người khác viết lại, đánh máy hoặc tự đánh máy rồi cùng người khác ký tên vào đơn tố cáo.

Về Điểm d, Khoản 1, Điều 15 “Thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc gây khó khăn, cản trở đảng viên, công dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo”, Hướng dẫn nêu: Nhận được đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết nhưng dìm bỏ, không xem xét, giải quyết. Xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo không kịp thời theo đúng thời gian quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà không có lý do chính đáng; giải quyết không khách quan; tiết lộ danh tính, địa chỉ, bút tích của người tố cáo cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết. Đưa toàn văn hoặc một phần nội dung đơn tố cáo hoặc đưa đơn tố cáo cho người bị tố cáo. Tự đặt ra các quy định hoặc yêu cầu trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người khiếu nại, tố cáo. Không chuyển đơn tố cáo (không thuộc thẩm quyền giải quyết) cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết. Không thông báo kết quả giải quyết tố cáo (bằng hình thức thích họp) cho người tố cáo biết.

Về Điểm g, Khoản 2, Điều 15 “Tố cáo mang tính bịa đặt, vu khống, đả kích, bôi nhọ thanh danh, gây tổn hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác”, Hướng dẫn giải thích: Tố cáo sự việc mà mình biết là không có hoặc tự bịa chuyện, dựng chuyện, nghĩ ra điều không có thật để tố cáo. Đảng viên thực hiện quyền tố cáo nhưng được cơ quan có thẩm quyền kết luận có nội dung đúng, có nội dung sai hoặc đúng về hiện tượng nhưng không đúng về bản chất thì không bị coi là tố cáo bịa đặt, vu khống.

Về Điều “Vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình”, Hướng dẫn nêu rõ: Trường hợp không vi phạm về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, gồm: Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì thôi không xem xét, xử lý kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định.

Toàn văn Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTƯ xem TẠI ĐÂY.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.