Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị”

Hiền Thu - Ảnh: Bá Hoạt| 03/05/2018 08:53

(HNMO) – Sáng 3-5, Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chính quyền đô thị của TP Hà Nội tổ chức hội thảo “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đề án chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội thảo.


Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án; cùng đại diện bộ, ban, ngành trung ương cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý.

Đây là hội thảo khoa học đầu tiên về cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị. Theo kế hoạch của Thành ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chính quyền đô thị của TP Hà Nội sẽ tổ chức tiếp các hội thảo nữa về một số nội dung liên quan đến chính quyền đô thị.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chính quyền đô thị của TP Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý về nội dung 2 chuyên đề. Trong đó, chuyên đề 1 là “Cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức chính quyền đô thị” và chuyên đề 2 là “Kinh nghiệm của một số nước về tổ chức chính quyền đô thị”.

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ góp phần cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện các nội dung của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội...

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đề án Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò rất quan trọng, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa… của cả nước. Thành phố là nơi tập trung đông dân cư với mật độ dân số cao, đồng thời cũng là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế - xã hội đa dạng. Đặc biệt, việc quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giao thông, điện, nước, nhà ở, xây dưng, môi trường… ở Thủ đô luôn là vấn đề bức xúc hằng ngày và phức tạp hơn nhiều so với khu vực nông thôn. 

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã nỗ lực và quyết tâm cao, với nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, nghiêm túc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: Tổng vốn đầu tư xã hội hóa giai đoạn 2011-2016 gấp hơn 2 lần giai đoạn 2006-2010. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, hằng năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2016 đạt trên 940 nghìn tỷ đồng. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang. Nhiều công trình, dự án kinh tế-xã hội quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, trật tự kỷ cương, đô thị được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực...


Bên cạnh những tiến bộ đáng ghi nhận, công tác quản lý nhà nước của chính quyền Thủ đô Hà Nội đang bộc lộ những bất cập, làm hạn chế sự phát triển nhanh chóng, năng động của Thủ đô... Những bất cập đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là từ những bất hợp lý về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền ở đô thị của thành phố. Như vậy, tính chất và và đặc điểm của đô thị đòi hỏi phải có thể chế tổ chức và hoạt động phù hợp, không thể áp dụng chung một khuôn khổ như nông thôn. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo khẳng định, việc nghiên cứu chuyên đề “Cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức chính quyền đô thị” và chuyên đề “Kinh nghiệm của một số nước về tổ chức chính quyền đô thị” là hết sức cần thiết.

Tại hội thảo, đã có 12 ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia (có 28 bài tham luận gửi tới hội thảo) đã tập trung trao đổi, phân tích, làm rõ đặc điểm, tính chất đô thị, khái niệm chính quyền đô thị và quá trình đô thị hóa; đặc điểm quản lý nhà nước ở đô thị; quan hệ giữa HĐND và UBND thành phố; quan hệ giữa UBND thành phố, UBND quận, thị xã với cơ quan chuyên môn cùng cấp…


Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đề án Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, sau một buổi làm việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả, hội thảo “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị” đã hoàn thành tốt các yêu cầu, nội dung và chương trình đề ra. Thay mặt Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chính quyền đô thị của TP Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cảm ơn ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã phát biểu, trao đổi, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao, bám sát vào nội dung đề dẫn của hội thảo.

“Các ý kiến đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện nội dung 2 chuyên đề “Cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức chính quyền đô thị” và “Kinh nghiệm của một số nước về tổ chức chính quyền đô thị”. Qua đó bổ sung, làm rõ nét hơn nhiều nội dung quan trọng” - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Cụ thể, các ý kiến đều đồng tình và thống nhất về sự cần thiết của việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội và triển khai 2 chuyên đề, làm cơ sở lý luận để đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị, phù hợp với TP Hà Nội. Đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán trong Hiến pháp và các văn kiện Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương, nhất là Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020" và sự cần thiết của 2 chuyên đề trong việc đề xuất mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm của TP Hà Nội là một đô thị đặc biệt, là thủ đô, trái tim của cả nước. 

Các ý kiến cũng làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức chính quyền ở các khu vực đô thị; phân tích, trao đổi các nội dung liên quan đến đô thị, đặc điểm, tính chất của đô thị, chính quyền đô thị và quá trình đô thị hóa; mối quan hệ giữa chính quyền đô thị và các bộ phận trong hệ thống chính trị ở đô thị; tổng hợp, khái quát và đánh giá các mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở một số nước trên thế giới dựa trên các nội dung liên quan đến mô hình, cơ cấu tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức nhân sự… Các đại biểu cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất về mô hình, cơ cấu tổ chức, hoạt động và chức năng, nhiệm vụ hợp lý, hiệu quả đối với chính quyền đô thị TP Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trước khi tổ chức hội thảo này, Ban Tổ chức Thành ủy đã mời các chuyên gia khảo sát tại một số sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Qua khảo sát cho thấy những bất cập trong quản lý của chính quyền đô thị ở cả 3 cấp. Do đó, cần khắc phục những bất cập để chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Nhấn mạnh nội dung Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị đã mở ra phương hướng cho Thủ đô Hà Nội, trong đó có nội dung: “Đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận, tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định tầm quan trọng của đề án và cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội nhận được sự đồng tình cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong quá trình triển khai.

“Với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, hiệu quả, các ý kiến góp ý, trao đổi, bổ sung, phát biểu trong hội thảo có hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc, làm cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục tiếp thu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước tại các quận, phường, thị xã của Thủ đô Hà Nội, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.