Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tấm gương bình dị mà cao quý

Thanh Thủy| 19/05/2018 07:24

(HNM) - Đã trở thành hoạt động thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, song Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19, Ngọc Hà, quận Ba Đình) chưa bao giờ vơi sức hút đối với công chúng.

Du khách tham quan triển lãm. Ảnh: Phạm Quý


Sức hấp dẫn từ những tấm gương bình dị

Trong những ngày qua, Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn tấp nập khách tham quan. Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Bác. Không dụng công cầu kỳ trong sắp đặt, trưng bày, sức hấp dẫn của Triển lãm đến từ 128 tấm gương là đại diện cho vô vàn người tốt, việc tốt trên cả nước quy tụ về đây, cùng viết nên câu chuyện đời đậm tính nhân văn sâu sắc...

Một trong những tấm gương mang lại nhiều cảm xúc cho du khách là câu chuyện hiến đất xây trường, vận động đồng bào định cư, không phá rừng làm rẫy của đảng viên Hồ Văn Vai, người con Vân Kiều, Pa Cô thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Sinh ra tại một bản nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, anh Vai thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của đồng bào khi muốn tiếp cận con chữ, khai mở tri thức, làm giàu ngay trên quê hương. Ngay khi Đảng và Nhà nước có chủ trương, anh Vai tự nguyện hiến đất xây trường, xóa bỏ tình trạng học xa, học ghép kéo dài ở địa phương. Không những vậy, anh Vai còn tích cực vận động bà con từ bỏ thói quen du canh, du cư, ổn định cuộc sống; đồng thời, tiên phong áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa giống cây trồng cho năng suất cao vào đồng ruộng, để nhân dân học tập.

Cùng chung tâm nguyện vì cộng đồng, năm 2017, cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) không ngần ngại dành số tiền gần 2 tỷ đồng để cải tạo ao đình, đường làng, tạo không gian cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho địa phương. Học tập ông, nhiều người dân hồ hởi góp công, góp của để điểm sinh hoạt công cộng ngày càng khang trang, tiện ích hơn. "Học theo Bác từ những điều nhỏ bé, giản dị nhất như mỗi việc mình làm đều nghĩ cho tập thể, tôi nhận lại được nhiều niềm vui mới từ sự gắn kết vì cái chung, vì người dân trong cộng đồng mình đang sinh sống", ông Nguyễn Tứ Hùng chia sẻ.

Lan tỏa phong trào học tập, làm theo Bác

Trên đây chỉ là 2 trong tổng số 128 tấm gương được giới thiệu tại Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”... Mỗi tấm gương là một câu chuyện người thực, việc thực mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống hằng ngày. Họ có thể là những chiến sĩ an ninh, ngày đêm đấu tranh trấn áp tội phạm; những y, bác sĩ luôn trăn trở, hết lòng vì người bệnh; những giáo viên ngày ngày vượt khó mang tri thức đến với bản làng nghèo; những tăng ni, giáo sĩ luôn nỗ lực vì những mảnh đời khó khăn, cơ cực…

Dù mỗi số phận có câu chuyện khác nhau, song điểm chung giữa họ là tình cảm lớn lao cũng như tâm nguyện học tập và làm theo tấm gương của Bác từ những việc đơn giản nhất trong cuộc sống. Từ tâm nguyện ấy, hàng ngàn, hàng vạn việc tốt đã ra đời mà 128 câu chuyện được giới thiệu tại Triển lãm chính là những tấm gương tiêu biểu nhất cho những việc tốt ấy. Góp mặt tại Triển lãm, không chỉ cá nhân mà còn có cả các đơn vị, tập thể... đã góp phần không nhỏ trong việc tô đẹp hơn cho cuộc sống, là minh chứng cho sức lan tỏa của phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đó là, chương trình “Làm theo gương Bác từ những việc cụ thể” của Huyện ủy Đức Cơ, Gia Lai; mô hình “Tổ tương thân, tương ái” ở ấp Vĩnh Thọ, Vĩnh Thạch, Cần Thơ; hành trình “Dấu chân người lính” của cán bộ, chiến sĩ Đội K52, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai... Giáo viên Nguyễn Thu Hương, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Đội Cấn, Ba Đình) cho rằng, Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” luôn hấp dẫn người xem bởi những câu chuyện chân thực và đa dạng, lấp lánh tình người trong cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo lắng...

Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh, ngay tên Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã phản ánh nội dung mà Bảo tàng muốn truyền tải tới công chúng. Bằng những người thật, việc thật, chân thực, giản dị, 128 tấm gương được giới thiệu ở đây là minh chứng thuyết phục cho sự trường tồn của những bài học từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống của người dân cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tấm gương bình dị mà cao quý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.