Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều băn khoăn về địa vị pháp lý của Ủy ban cạnh tranh quốc gia

Trung Hiếu| 24/05/2018 18:09

(HNMO) - Chiều 24-5, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc tại hội trường, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp chiều 24-5.


Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư và tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở báo cáo này, nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Nhiều ý kiến băn khoăn Ủy ban này vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh liệu có bảo đảm khách quan.

Quy định tại Điều 7 dự thảo Luật về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh đã tạo ra hai luồng ý kiến. Có ý kiến tán thành quy định Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Về vấn đề trên, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng bổ sung một chương (Chương VII dự thảo Luật) quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh quốc gia, đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh quốc gia và thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh.

Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các thành viên Ủy ban cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật. Ủy ban cạnh tranh quốc gia thực hiện nhiệm vụ tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập, tạo điều kiện để thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh, khắc phục những bất cập hiện nay.

Việc quy định Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, không thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.


Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình).


Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) nêu ý kiến về địa vị pháp lý của Ủy ban cạnh tranh quốc gia. Theo quy định tại khoản 1 điều 48 dự thảo Luật Cạnh tranh, Ủy ban cạnh tranh quốc gia là cơ quan của Bộ Công Thương. Cách xác định địa vị pháp lý như vậy là không phù hợp với tính chất quốc gia như tên gọi của Ủy ban. Đây là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp xử lý, quyết định các vụ việc cạnh tranh kiểm soát tập trung kinh tế một cách khách quan, công bằng và chỉ tuân theo Luật trong quá trình hoạt động.

Kinh nghiệm của các quốc gia có hiệu lực cao trong thực thi luật cạnh tranh cho thấy bảo đảm tính độc lập của cơ quan xử lý các vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế là yêu cầu có tính tiên quyết, cơ quan này phải bảo đảm có tính độc lập cần thiết để xem xét giải quyết, ra quyết định về việc xác định hành vi của doanh nghiệp là vi phạm Luật Cạnh tranh hay không đi kèm với việc áp dụng biện pháp chế tài mà không chịu áp lực của bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan hoặc áp lực từ các cơ quan bên ngoài.

Do vậy, đại biểu này đề xuất, để bảo đảm tính độc lập của Ủy ban, các quyết định của Ủy ban khi xử lý các vụ việc về cạnh tranh khách quan, công bằng và tuân thủ pháp luật, không nên quy định Ủy ban này là cơ quan của Bộ Công Thương mặc dù vẫn có thể giao cho Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh như quy định tại khoản 2a, điều 48.


Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang).


Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) góp ý, dự thảo quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp chưa được nêu rõ. Thực tế cho thấy, cũng có nhiều doanh nghiệp tận dụng các quy định của Luật Cạnh tranh để bảo đảm quyền lợi của mình, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sở dĩ có thực trạng này là vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ sức theo đuổi các vụ kiện cạnh tranh. Mặt khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa không thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Luật Cạnh tranh, do vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các điều khoản ghi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) thì góp ý, cần quan tâm nếu hội đồng giải quyết sai gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp nhưng sau khi hội đồng đã giải thể mới phát hiện ra giải quyết sai thì ai sẽ chịu trách nhiệm, xử lý như thế nào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều băn khoăn về địa vị pháp lý của Ủy ban cạnh tranh quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.