Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc phong hàm cấp tướng phải được quy định chặt chẽ

Bảo Hân| 14/06/2018 16:57

(HNMO) - Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre), việc phong hàm cấp tướng phải thực hiện theo hướng gắn với chức vụ, tránh tình trạng phong hàm theo kiểu



Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre).


Ngày 14-6, thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) (CAND), đa số đại biểu quan tâm đến nội dung trọng tâm của dự án Luật về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sĩ quan CAND với nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre)nêu quan điểm việc phong quân hàm cấp tướng phải đảm bảo thực hiện đúng theo Thông báo số 111/2012 và Thông báo số 147/2013 của Bộ Chính trị. Đối với lực lượng vũ trang phải trung thành tuyệt đối với đường lối lãnh đạo của Đảng, các chủ trương của Đảng phải được thể chế hóa vào các luật để đảm bảo sự thống nhất.

Đại biểu cũng đề nghị việc phong hàm phải gắn với cấp chỉ huy bởi có thực trạng đồng chí đại uý lãnh đạo cấp dưới là trung tá và thiếu tá, gây ra nhiều tâm tư và làm xấu đi hình ảnh của lực lượng.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc thăng hàm và phong hàm cấp tướng đã và đang triển khai thực hiện theo quy định, nhưng dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Các ý kiến này đều có chung một suy nghĩ, đó là việc phong hàm phải bảo đảm được vị trí, uy tín của đội ngũ tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nói chung và trong công an nói riêng, cố gắng hạn chế việc phong hàm nhanh, nhiều như trong thời gian đã qua. Cử tri cũng có băn khoăn vì một số cán bộ tướng lĩnh vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng)


Cùng đóng góp vào Điều 26 quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, phong hàm cấp tướng trong lực lượng CAND là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết, nhằm ghi nhận những đóng góp của những người có vị trí quan trọng này trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần lưu ý tới dư luận nhân dân trong thời gian qua cho rằng, việc phong hàm hơi nhiều trong điều kiện đất nước không có tình hình quá đặc biệt, kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Do đó, đại biểu đề nghị chỉ phong hàm cấp tướng đối với những lực lượng trực tiếp chiến đấu và trực tiếp phòng chống các vi phạm pháp luật và tội phạm. Còn phong hàm cấp tướng cho những đơn vị hành chính sự nghiệp trong lực lượng CAND cần cân nhắc và hạn chế.

Đóng góp ý kiến vào quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng cho giám đốc Công an các tỉnh, thành phố loại 1 (tại điểm d, khoản 1, Điều 26 của dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, đây là một nội dung rất quan trọng mà nhiều đại biểu quan tâm. Ngay trong văn bản thẩm định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như tại các buổi thảo luận vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Đại biểu đưa ra một số lý lẽ và ủng hộ phương án các tỉnh, thành phố loại 1 có quân hàm thiếu tướng bởi chính sách này không chỉ đúng với bản chất của tiền lương mà còn có một số địa bàn cơ sở tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, đào tạo lãnh đạo trong CAND theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu điều hành phiên thảo luận.


Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, về mặt nguyên tắc, quy định về vấn đề cấp bậc quân hàm phải tuân thủ theo quy định của Hiến pháp. Đó là, chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quy định về cấp hàm trong lực lượng vũ trang. Đồng thời cần quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết 22 cũng như ý kiến của Bộ Chính trị trước đây tại Thông báo 147/2013, tức là việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ ngay trong luật, đúng yêu cầu, không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong cấp tướng. Thông báo 185/2014 về số lượng, vị trí cấp hàm tướng trong CAND là không quá 205 người. Đến thời điểm này các thông báo này vẫn còn nguyên giá trị.

Dự thảo Luật áp dụng tiêu chí định tính cục đặc biệt và tương đương để xác định cục trưởng có trần quân hàm trung tướng và tiêu chí phân loại đơn vị hành chính loại 1 để xác định quân hàm thiếu tướng đối với giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố. Dự thảo không quy định số lượng cấp phó của các chức vụ cơ bản có quân hàm tướng. Nhiều ý kiến phát biểu về tính tương quan, tương ứng giữa hai lực lượng quân đội và công an, nhất là về cấp bậc quân hàm ở địa phương. Đây là những vấn đề đã từng được thảo luận và có nhiều ý kiến khác nhau.

Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự án Luật, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ sáu theo quy định.

Phát biểu tiếp thu trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nhận định, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao, sự chia sẻ, động viên đối với lực lượng CAND. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật về nội dung mà các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc phong hàm cấp tướng phải được quy định chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.