Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền tự do ngôn luận của công dân không bị ngăn cản

TTXVN| 20/06/2018 06:50

(HNM) - Ngày 19-6, tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri, nhân dân một số quận, huyện và lực lượng vũ trang Quân khu 9, sau kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Cùng tham gia có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các cử tri. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Tại các cuộc tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân đã báo cáo tóm tắt tới cử tri về kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri bày tỏ sự nhất trí đánh giá cao về kết quả kỳ họp; nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận sôi nổi tích cực, hiệu quả...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của cử tri TP Cần Thơ.

Trao đổi với cử tri và nhân dân cũng như làm rõ thêm về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, những băn khoăn, lo lắng của nhân dân, cử tri là đúng và Quốc hội cần thêm thời gian tiếp thu để hoàn chỉnh dự án luật. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, người dân có thể đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước, Quốc hội bằng nhiều hình thức, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, không đúng sự thật dẫn đến bị lợi dụng, kích động, gây rối, phá hoại, thậm chí là vi phạm pháp luật như đã xảy ra vừa qua tại một số địa phương.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Những quy định trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở phải bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng của đặc khu và của quốc gia”.

Trả lời câu hỏi của cử tri về Luật An ninh mạng mới được thông qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Không gian mạng cũng chính là lĩnh vực chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào”. Hơn nữa, đây còn là "không gian ảo" - nơi diễn ra những hành động thù địch không kém phần nguy hiểm. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra sự cần thiết của vấn đề này và đã cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội phân tích: Việc xây dựng Luật An ninh mạng là cần thiết để bảo vệ trước hết là những khách thể trong phạm vi điều chỉnh của luật, gồm: An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Luật An ninh mạng theo đó sẽ xử lý tất cả những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến trên không gian mạng không bị điều chỉnh bởi luật này. “Luật ban hành ra là để điều chỉnh những hành vi vi phạm không gian mạng chứ không phải để ngăn cấm quyền tự do ngôn luận của công dân”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật An ninh mạng phù hợp với pháp luật trong nước, thông lệ quốc tế, không trái với các điều ước mà Việt Nam tham gia, cũng không cản trở hoạt động của doanh nghiệp. “Bảo đảm sẽ không cản trở lưu thông dòng chảy dữ liệu thông tin ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ghi nhận, giải đáp các ý kiến của cử tri về Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), về xây dựng lực lượng Công an xã chính quy…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền tự do ngôn luận của công dân không bị ngăn cản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.