Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực vượt qua chính mình

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong| 27/07/2018 06:37

(HNM) - Ngay sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, thành phố đã khẩn trương rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện và bổ sung hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật; quy hoạch, chỉ thị, nghị quyết…

Thủ đô Hà Nội được quy hoạch ngày càng hiện đại. Ảnh: Tiến Tuấn


Trên thực tế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng và ngày càng khởi sắc. Trong giai đoạn 2008-2017, tăng trưởng GRDP toàn thành phố bình quân đạt 7,41%/năm; trong đó, dịch vụ tăng 7,52%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,17%, nông nghiệp tăng 2,68%. Quy mô GRDP năm 2017 (theo giá cố định 2010) đạt 519.568 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2008. GRDP bình quân đầu người theo đó tăng lên, năm 2017 đạt 86 triệu đồng (khoảng 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với 1.697 USD/người vào năm 2008). Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành Dịch vụ, Công nghiệp - Xây dựng và giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2008-2017 liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân hằng năm tăng 12,69%/năm...

Trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hà Nội luôn đứng thứ hai cả nước. Tính chung giai đoạn 2008-2017 thu hút được 3.237 dự án, vốn đăng ký 19,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 10,6 tỷ USD (tỷ lệ đạt 55,2%). Đến hết năm 2017, Hà Nội có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, trong đó có 325 dự án FDI vốn đăng ký 5,4 tỷ USD, 304 dự án trong nước vốn đăng ký 13.386 tỷ đồng; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách 180 triệu USD (tăng 3 lần). Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" tổ chức ngày 17-6-2018, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 397 nghìn tỷ đồng (tương đương với hơn 17 tỷ USD). Trong đó, có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là trên 130 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 5 tỷ USD), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn trên 267 nghìn tỷ đồng. Lần đầu tiên sau 30 năm qua, với tổng số vốn FDI thu hút trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước của năm 2018.

Năm 2010, trên địa bàn thành phố có 53 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, với tổng doanh thu đạt 44.407 tỷ đồng. Hiện thành phố có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho Nhật Bản, các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu, năng lực cạnh tranh cao.

Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2008-2017 tăng 8,61%/năm. Không gian phát triển công nghiệp được mở rộng. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề được khuyến khích phát triển, đến hết năm 2017, số làng nghề và làng có nghề toàn thành phố là 1.350 làng (tăng thêm 70 làng so với năm 2010). Giá trị sản xuất của làng nghề năm 2017 đạt khoảng 20.000 tỷ đồng. Nhìn chung, thu nhập bình quân lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp cao hơn thu nhập bình quân của lao động thuần nông.

Dây chuyền lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành


Dù về diện tích chỉ bằng 21,2% vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và 1% diện tích cả nước, 41,7% và 8,1% về dân số, nhưng hiện Hà Nội đóng góp tương ứng 51,1% và 16,46% về GRDP, 54,1% và 19,05% về thu ngân sách, 20,3% và 5,51% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Kinh tế tăng trưởng tích cực đã trực tiếp góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo từ 8,43% đầu năm 2009 xuống còn 1,69% cuối năm 2017, hiện nay trên địa bàn không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Tính đến hết năm 2017, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 25,6m2/người (mục tiêu đến năm 2020 là 26,3m2/người).

Hiện nay, Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả với thủ đô, thành phố các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước châu Âu, Mỹ,… duy trì mối quan hệ thân thiết với hai nước bạn Lào, Campuchia. Thủ đô Hà Nội là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế lớn, quan trọng như Hiệp hội Các thành phố lớn trên thế giới, mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21), mạng lưới chính quyền địa phương Citynet, Hội nghị Thượng đỉnh các thành phố thế giới; Diễn đàn Thị trưởng các thành phố trên thế giới (WCS); Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Chính phủ điện tử của các thành phố và chính quyền địa phương trên thế giới (WeGO)… Thành phố đã chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân cho thành công nêu trên là Hà Nội coi việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu cho phát triển trong thời gian tới. Hà Nội vừa được xếp thứ 8/10 thành phố năng động nhất thế giới theo Chỉ số Động lực thành phố (CMI) năm 2017. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xếp hạng tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012; năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố - cao nhất từ trước tới nay.

Với tinh thần đó, Hà Nội đang nỗ lực vượt qua chính mình, thoát khỏi định kiến “Hà Nội không vội được đâu” để trở thành một “Hà Nội vượt trội và đi đầu, một thành phố gương mẫu” trong quản lý nhà nước nói chung, quản lý đô thị và doanh nghiệp nói riêng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vượt qua chính mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.