Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững tin sau 10 năm hợp nhất

Khánh Ly - Nguyễn Mai - Tiến Thành| 28/07/2018 09:54

(HNMO) - Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, khu vực nông thôn Hà Nội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ: Hạ tầng nông thôn được đầu tư ngày một nhiều hơn, kinh tế phát triển, đời sống người dân ngoại thành đã có những đổi thay nhanh chóng, giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển...

Trong không khí trang trọng, tươi vui kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận nhiều ý kiến của cán bộ, nhân dân các địa phương bày tỏ niềm vui, phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thành phố.

Ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh:
Hoàn thiện toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra



Sau 10 năm hợp nhất vào Thủ đô Hà Nội, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Thành ủy - HĐND - UBND và các sở, ngành của thành phố, sự nỗ lực, cố gắng quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, huyện Mê Linh đã cơ bản thực hiện, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu có mức tăng trưởng cao như kinh tế tiếp tục phát triển; văn hóa - xã hội tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; công tác quân sự, quốc phòng được thực hiện tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của huyện bước đầu được cải thiện.

Trong thời gian tới, huyện Mê Linh kiến nghị thành phố tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đồng thời quan tâm, ưu tiên bổ sung nguồn lực để phục vụ công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, tiếp tục đầu tư dự án nước sạch nông thôn cho tất cả các xã trên địa bàn và hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích xếp hạng cấp thành phố, cấp quốc gia hiện đã xuống cấp.

Huyện cũng mong muốn, UBND thành phố ban hành cơ chế, chính sách giải quyết đất dịch vụ cho các hộ dân có đất bị thu hồi nhằm bảo đảm lợi ích cho người dân. Tiến hành rà soát toàn bộ các dự án đô thị chậm tiến độ hoặc không triển khai trên địa bàn huyện. Đối với những dự án này, UBND huyện Mê Linh kiến nghị thu hồi, tránh để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thoát nước khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh nông thôn - đô thị trên địa bàn.

Ông Phạm Thành Đô, Bí thư Đảng ủy xã Tam Đồng (huyện Mê Linh):
Cơ sở hạ tầng được đặc biệt quan tâm


Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, qua 10 năm chung tay xây dựng Thủ đô, huyện Mê Linh nói chung và xã Tam Đồng nói riêng, được sự quan tâm của thành phố, đã có sự phát triển, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư hơn, đời sống nhân dân có nhiều phát triển vượt bậc. Trước khi hợp nhất với TP Hà Nội, xã Tam Đồng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 18-20 triệu đồng/người/năm. Đến nay, sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người đã nâng lên 37 triệu đồng/người/năm. Kinh tế có sự chuyển dịch, đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp dịch chuyển từ lúa sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao, hơn như hoa, cây cảnh, cây ăn quả; chăn nuôi chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, 10 năm trước xã có khoảng 5%, đến nay chỉ còn 2,2%. Tam Đồng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.

“Tôi nhận thấy, từ khi hợp nhất về Hà Nội, hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Thành phố có nhiều chính sách quan tâm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nhân dân rất phấn khởi”, ông Phạm Thành Đô nói.

Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Song Phượng (huyện Đan Phượng):
Chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.


Sau khi hợp nhất với TP Hà Nội, huyện Đan Phượng nói chung và xã Song Phượng nói riêng đều có sự phát triển mới. Bên cạnh đó, ngay sau thời điểm hợp nhất, xã Song Phượng được thành phố chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thành phố, huyện và sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền và nhân dân địa phương, đến năm 2013, Song Phượng đã cán đích xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Song Phượng đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2016-2020 với nhiệm vụ trọng tâm là tạo việc làm, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, vật chất, tinh thần, môi trường cho người dân; đồng thời, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trải qua 10 năm hợp nhất với Thủ đô, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, văn hóa xã hội đều được quan tâm. Nhân dân vui mừng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thành ủy và UBND TP Hà Nội.

Ông Khuất Duy Kim, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ:
Thành phố có nhiều chính sách an sinh xã hội



10 năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, chúng tôi cảm nhận cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân. Kinh tế - xã hội trên địa bàn xã có bước phát triển nhanh, các chính sách cho khu vực nông thôn được quan tâm, giúp rút ngắn khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo, đô thị và nông thôn. Hộ nghèo trên địa bàn xã giảm nhanh, hộ khá, giàu tăng, đặc biệt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội những năm qua rất tốt.

Hợp nhất với Hà Nội, chính sách an sinh xã hội đối với người có công đã được quan tâm tốt hơn; đối với hộ nghèo, được hỗ trợ bảo hiểm y tế; xây sửa nhà xuống cấp đối với các gia đình đặc biệt khó khăn. Do vậy, sau 10 năm, đời sống người dân khu vực nông thôn đã được nâng lên rõ rệt. Tại xã Trạch Mỹ Lộc, hộ nghèo hiện chỉ còn 2%, giảm 6% so với trước khi hợp nhất. Hiện xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Ông Đinh Công Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất:
Khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống


Xã Tiến Xuân là xã miền núi thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) được hợp nhất về Hà Nội. 10 năm qua, chế độ chính sách của thành phố đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc. Xã Tiến Xuân có 70% dân số là người Mường, những năm qua, bà con vùng đồng bào dân tộc đã được hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật, con em vùng đồng bào dân tộc được hỗ trợ học phí và được ưu tiên khi xét điểm vào các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, trước khi về Hà Nội, nhiều giá trị văn hóa của người Mường đã bị mai một. Khi hợp nhất về Hà Nội, bản sắc văn hóa dân tộc Mường được thành phố hỗ trợ khôi phục, như khôi phục trang phục, sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của người Mường. Xã có 18 thôn, đến nay các thôn đều có câu lạc bộ cồng chiêng. Trong 10 năm qua, xã đã được đầu tư gần 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện xã có 2/5 trường đạt chuẩn quốc gia, điện, đường được đầu tư đồng bộ.

Ông Bạch Minh Hằng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ba Trại, huyện Ba Vì:
Nhiều quan tâm đến đồng bào khu vực miền núi


Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đồng bào khu vực miền núi huyện Ba Vì đã có bước phát triển nhanh chóng. Xã Ba Trại đã được huyện Ba Vì và TP Hà Nội quan tâm hỗ trợ nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2017.

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố về phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, người dân xã Ba Trại đã được hỗ trợ phát triển kinh tế từ cây chè. Trong những năm qua, thành phố đã hỗ trợ xã Ba Trại giống và khoa học kỹ thuật để thay thế giống chè cũ sang các giống mới năng suất, chất lượng cao, canh tác theo quy trình sạch. Đến nay, toàn xã có 9 thôn thì cả 9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè, với diện tích chè lớn nhất huyện (560ha). Đặc biệt, thời gian gần đây xã đã phát triển chè gắn với khai thác tiềm năng du lịch, tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương.

Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt gần 38,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 1,9%. Những mái nhà kiên cố mọc lên san sát hai bên đường là minh chứng rõ nét nhất cho sự đổi thay đời sống của người dân nhờ chè.

Ông Nguyễn Giáp Dần, Chủ tịch UBND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất: 
Người dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, xã Yên Bình đã phát triển trên mọi lĩnh vực. Trước năm 2008, xã chỉ đạt bình quân đầu người 9 triệu đồng/người/năm và đến năm 2017 đã tăng lên 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 là trên 14% nhưng đến hết năm 2017 chỉ còn 2%... Vì vậy, người dân xã Yên Bình rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và phấn khởi khi được hợp nhất với Thủ đô. Người dân xã Yên Bình sẽ quyết tâm trong thời gian tới nâng được thu nhập bình quân đầu người lên cao hơn nữa, nhằm cải thiện cuộc sống.

Ông Tạ Đình Huy (huyện Chương Mỹ, Hà Nội): 
Đời sống người dân ngày càng cải thiện


Tôi rất vui và phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương, của Thủ đô, và bản thân tôi cũng thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua. Quê hương tôi là một xã thuần nông, nông dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ. Qua 10 năm mở rộng địa giới hành chính, đời sống của nông dân được cải thiện, không còn lạc hậu. Bình quân thu nhập đầu người đã tăng, từ mức 6 triệu đồng/người/năm vào năm 2008 lên 38 triệu đồng/người/năm vào năm 2017. Thực tế đổi thay trên quê hương tôi đã cho thấy tính đúng đắn, tầm vóc chiến lược của Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, mang lại nhiều đổi thay tích cực cho quê hương tôi. 

Bà Phùng Thị Thanh - Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội:
Kỷ cương hành chính có sự chuyển biến rõ rệt


Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, tôi cảm nhận thấy cuộc sống của người dân được cải thiện và được quan tâm hơn rất nhiều, nhất là những chính sách an sinh xã hội với người cao tuổi. Đời sống dân sinh được bảo đảm, với hệ thống cung cấp điện, nước sạch đầy đủ. Đặc biệt, tôi đã cảm nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong việc cải cách hành chính, kỷ cương hành chính có sự chuyển biến rõ rệt. Cán bộ và nhân dân xã mong muốn tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng để cải thiện việc đi lại của người dân, giúp người dân an cư lạc nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vững tin sau 10 năm hợp nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.