Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Hiền Thu| 06/09/2018 19:35

(HNMO) - Ngày 6-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về hai dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị


Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc thảo luận các nội dung dự thảo luật tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhằm hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua là hoạt động hết sức có ý nghĩa, khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là hai dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, của cử tri và các đại biểu Quốc hội. Thời gian qua, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ năm để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trước khi đưa ra thảo luận ngày hôm nay và tiếp tục khẩn trương hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ sáu sắp tới.

“Tôi đề nghị các vị đại biểu tham dự hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận, tranh luận làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để tạo sự thống nhất cao khi thông qua hai dự án luật này tại kỳ họp thứ sáu sắp tới” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hội nghị đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 31 đại biểu đã phát biểu, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Cụ thể, các đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An), Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) tán thành với nội dung Điều 34 quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên (không bổ sung bố, mẹ và con đã thành niên của người có nghĩa vụ kê khai như đề nghị của một số đại biểu khi thảo luận về dự án luật tại kỳ họp thứ năm) vì bố, mẹ, con đã thành niên của người có nghĩa vụ kê khai là các chủ thể độc lập, có đủ năng lực hành vi dân sự nên có toàn quyền định đoạt, sử dụng, giữ bí mật về tài sản, thu nhập của mình. Người có nghĩa vụ kê khai có thể không biết được người thân của họ có tài sản gì, nên cũng không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm về việc kê khai không đúng, không đầy đủ tài sản của người thân.

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, việc thu hẹp đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập như vậy là chưa thực sự "xoáy" vào “tảng băng chìm” của tham nhũng. Dẫn chứng các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử có vụ việc tài sản được tẩu tán cho người thân đứng tên, đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp.

Cùng quan điểm này, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, trong kê khai lần đầu, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của bố, mẹ, con cái đã thành niên, để khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ, vị trí cao hơn sẽ phải thực hiện giải trình nếu người thân có thu nhập, tài sản bất thường.

Bên cạnh đó, các đại biểu tiếp tục nêu ý kiến về: Việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.