Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Làm từng bước, chắc chắn, hiệu quả

Hiền Lương| 26/12/2018 06:59

(HNM) -  Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đang đặt ra, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 29-11-2018 về “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU” với những giải pháp căn cơ, toàn diện.

Quận Long Biên là một trong hai địa phương được chọn thí điểm mô hình mới trong thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU trong giai đoạn tới. Ảnh: Ngọc Hà


Giải pháp căn cơ, toàn diện

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đề ra 5 nhóm giải pháp. Đáng chú ý, đối với các chi bộ thôn, tổ dân phố có đông đảng viên (trên 100 đảng viên), Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, cấp ủy cấp trên, trực tiếp là Đảng ủy xã, phường, thị trấn cần tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế hoạt động của chi bộ, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, thiếu sót trong việc duy trì, chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng trong sinh hoạt chi bộ. Thành phố xác định không mở rộng phát triển mô hình đảng bộ bộ phận thôn, tổ dân phố trực thuộc Đảng ủy xã, phường, thị trấn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng 24 đảng bộ bộ phận đã thành lập.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, để khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo đảng ủy xã, phường, thị trấn phân công đảng ủy viên trực tiếp phụ trách địa bàn. Mục tiêu là khắc phục tình trạng này ở 9 thôn, tổ dân phố trong tháng 6-2019. Trước mắt, cấp ủy xây dựng nghị quyết chuyên đề đánh giá thực trạng tình hình đảng viên nơi cư trú trên địa bàn và nguồn kết nạp đảng viên, đề ra giải pháp nhanh chóng thành lập chi bộ. Đối với nơi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên, ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy lãnh đạo đánh giá vai trò của các nhân sự này, quan tâm kết nạp Đảng khi đủ điều kiện; đồng thời có giải pháp phù hợp trong việc bố trí, giới thiệu đảng viên ứng cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo nghiên cứu thực hiện ngay mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố ở những nơi có đủ điều kiện.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng xác định 3 chỉ tiêu liên quan đến việc hoàn thiện mô hình hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư. Trong đó, năm 2019, thành phố sẽ hoàn thành việc rà soát, sắp xếp các thôn, tổ dân phố theo quy định, đồng thời hoàn thiện hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư đồng bộ theo mô hình của Đề án số 06-ĐA/TU. Đến năm 2023 có 95% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên; có 50% số thôn, tổ dân phố trở lên thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Bắt tay ngay vào công việc

Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổng kết 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU và ban hành Kế hoạch số 109-KH/TU, các quận, huyện, thị ủy đã tích cực chỉ đạo, bắt tay ngay vào công việc. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Lỗ Xuân Hòa cho biết, huyện có 3 thôn ở xã Vạn Yên chưa có tổ chức Đảng. Đây đều là các thôn không đủ số đảng viên để thành lập chi bộ theo quy định. Tuy nhiên, ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy có Kế hoạch số 109-KH/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, tập trung khắc phục. Ngày 21-12 vừa qua, chi bộ ở thôn Cẩm Vân đã ra mắt với 4 đảng viên. Hiện nay, Ban Tổ chức Huyện ủy đang tập trung phối hợp, hỗ trợ Đảng ủy xã Vạn Yên tiếp tục rà soát, nghiên cứu sắp xếp và thành lập chi bộ ở các thôn còn lại theo mô hình của Đề án số 06-ĐA/TU.

Tại huyện Thanh Trì, mặc dù không có trong danh sách, nhưng qua rà soát, huyện cũng xác định có 1 chi bộ đang lãnh đạo 2 tổ dân phố. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phạm Nguyên Nhung cho biết, huyện sẽ tiến hành các bước để sáp nhập 2 tổ dân phố này. Huyện ủy cũng đã bắt tay ngay vào triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên. Vừa qua, huyện đã kết nạp Đảng 6 trưởng thôn, đồng thời tổ chức một lớp tìm hiểu về Đảng cho các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên. Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng, Gia Lâm, mỗi nơi có 3 thôn, tổ dân phố chưa có chi bộ Đảng cũng đang khẩn trương triển khai để hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.

Huyện Gia Lâm và quận Long Biên còn đang tiến thêm một bước nữa trong thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU khi được Ban Thường vụ Thành ủy giao xây dựng đề án thí điểm thực hiện mô hình khoán kinh phí đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố để triển khai thực hiện từ quý I-2019.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, vai trò của cán bộ tổ dân phố rất quan trọng, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền phường, quận, nên việc thay đổi cần phải tiến hành thận trọng, từng bước, chắc chắn và hiệu quả, coi trọng biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, không nên dùng mệnh lệnh hành chính. Vì vậy, với cán bộ kiêm nhiệm bí thư chi bộ và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nên xem xét nâng mức phụ cấp, xác định các mức theo số lượng đảng viên và số lượng dân cư. Đồng quan điểm này, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho rằng, nên nâng mức phụ cấp kiêm nhiệm từ 30% lên 50%. Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương đề xuất, thành phố thống nhất chỉ đạo nhiệm kỳ bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trùng với nhiệm kỳ đại hội chi bộ cơ sở...

Khi cấp ủy các địa phương quyết tâm thực hiện, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Thành ủy, có thể tin tưởng rằng, những vấn đề tồn tại, hạn chế đặt ra sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU sẽ dần được khắc phục. Qua đó, hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Làm từng bước, chắc chắn, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.