Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh tra diện rộng những bức xúc về đất đai và lĩnh vực y tế, giáo dục

Hà Phong| 16/01/2019 22:24

(HNMO) - Chiều 16-1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác thanh tra năm 2019.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Báo cáo kết quả công tác năm 2018 cho thấy, toàn ngành đã triển khai hơn 7 nghìn cuộc thanh tra hành chính và gần 220 nghìn cuộc thanh tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 34 nghìn tỷ đồng, gần 34 nghìn ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 30 nghìn tỷ đồng, hơn một nghìn ha đất (đã thu hồi gần 17 nghìn tỷ đồng, 345 ha đất), xử lý kỷ luật hành chính đối với hơn 2 nghìn tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 96 vụ, 151 đối tượng.

Về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, cơ quan hành chính các cấp đã xử lý 23.573/28.162 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,7%. Theo thống kê, các bộ, ngành có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo là: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước...

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, ngành Thanh tra tập trung triển khai có hiệu quả các cuộc thanh tra theo kế hoạch được duyệt và các cuộc thanh tra đột xuất do Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; gắn với việc tham mưu, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị.

Tham luận tại hội nghị, đại diện các địa phương nhất trí cao với trọng tâm công tác thanh tra năm 2019 và tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, năm 2018, lãnh đạo các cơ quan của thành phố đã tiếp định kỳ hơn 16 nghìn lượt công dân. Một số vụ việc khiếu kiện đông người được chỉ đạo kịp thời, không để diễn biến phức tạp. Từ thực tiễn địa phương, TP Hà Nội kiến nghị Thanh tra Chính phủ triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đến các quận, huyện, thị xã; có hướng dẫn cụ thể các quy định về việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi tiếp công dân tại các trụ sở tiếp công dân... góp phần tăng cường pháp chế, kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, với nỗ lực quyết tâm của mình, toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao. Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại như: Việc ban hành kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm; chất lượng một số cuộc thanh tra và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn điểm yếu; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng vặt hiệu quả chưa cao; lực lượng thanh tra chuyên ngành đông nhưng chưa mạnh…

Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 mà ngành Thanh tra phải có chuyển biến mạnh mẽ. Công tác thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, nhất là trong phát hiện, xử lý các vụ việc phức tạp, quan trọng mới phát sinh, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra diện rộng những vấn đề dư luận quan tâm, điển hình là các bức xúc về đất đai, việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh; công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo… Song song với đó, toàn ngành đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm công vụ, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới, là một trong những công cụ hữu hiệu phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng, góp phần tích cực hơn nữa để xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra diện rộng những bức xúc về đất đai và lĩnh vực y tế, giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.