Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sâu sát, kịp thời giải quyết vướng mắc của nhân dân

Hương Ly| 05/02/2019 10:09

(HNM) - Kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Thành ủy đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn kiểm tra bộ phận “một cửa” của UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Bùi Tuấn


Trao đổi với Báo Hànộimới nhân dịp xuân mới 2019, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khẳng định: Phát huy những kết quả đã đạt được năm 2018, trong năm mới 2019, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở theo dõi, nắm bắt tình hình tại cơ sở để kịp thời xử lý, giải quyết những băn khoăn, vướng mắc của nhân dân, qua đó giữ vững ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đóng góp tích cực vào việc phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

- Thưa đồng chí, sau một thời gian triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn trực thuộc TP Hà Nội” và Chỉ thị 15-NQ/TUngày 16-12-2016 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, nhiều tổ chức cơ sở Đảng yếu kém đã được củng cố, kiện toàn; nhiều vụ việc nóng tại cơ sở đã được kịp thời giải quyết. Xin đồng chí cho biết rõ hơn những kết quả đã đạt được?

- Ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU, Thường trực Thành ủy đã thường xuyên dành thời gian kiểm tra, giám sát, lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề về cơ chế chính sách, về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, trực tiếp cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo đối với các “điểm nóng”, vụ việc phức tạp nổi cộm và các vấn đề thuộc thẩm quyền thành phố; trực tiếp chỉ đạo giải quyết đơn thư. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã đưa việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU là một trong 10 nội dung trọng tâm trong Chương trình công tác năm 2018 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. Tính từ tháng 7-2017, Thường trực Thành ủy có ý kiến chỉ đạo giải quyết 901 đơn, thư.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU, các tổ chức, cơ quan, đơn vị của thành phố và các quận, huyện, thị ủy cũng đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Qua các đợt kiểm tra, đôn đốc và làm việc của Ban Chỉ đạo, chúng ta có thể khẳng định đã có một sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của các cấp ủy về tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, gắn với lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Qua đó, từng cấp ủy Đảng, chính quyền đã chủ động xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết; chủ động rà soát các vụ việc thuộc thẩm quyền; tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại với tổ chức và công dân để tháo gỡ những khó khăn, tập trung giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực, cơ bản các vụ việc mới phát sinh được giải quyết kịp thời. Các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng đã tăng cường công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại để giải quyết các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền nên đã hạn chế được tình trạng khiếu kiện tập trung đông người, vượt cấp, không có vụ việc phát sinh mới điểm nóng về an ninh trật tự, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.

Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU, đã có 97/117 tổ chức cơ sở Đảng (đạt 82,9%) được củng cố. Trong số 200 vụ việc phức tạp theo Thông báo của Ban Chỉ đạo, đã tập trung giải quyết được 103 vụ việc đạt 51,6%, còn 97 vụ việc Ban Chỉ đạo cấp thành phố theo dõi; ngoài ra còn 88/180 vụ việc do các quận, huyện, thị xã theo dõi. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU đã góp phần quan trọng vào việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, giữ vững an ninh trật tự, trật tự trên địa bàn, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Thủ đô.

- Xin đồng chí cho biết nguyên nhân dẫn đến những kết quả tốt đẹp này?

- Tôi xin khẳng định đó chính là chuyển biến căn bản về “nhận thức và ý thức trách nhiệm”. Hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU được thể hiện ở chỗ: Đến nay 100% các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều tổ chức quán triệt, học tập và tổ chức triển khai sâu rộng, bài bản, thiết thực các nhiệm vụ và giải pháp được nêu ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU. Đặc biệt các quận, huyện, thị xã là địa bàn có chuyển biến tích cực nhất, đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch củng cố đối với các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém và tổ chức cơ sở Đảng có vấn đề cần quan tâm. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đã chuyển biến tích cực và có hiệu quả; các vụ việc mới phát sinh được giải quyết kịp thời; thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành thành phố và quận, huyện, thị xã… đã tăng cường công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại để giải quyết các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU đã phát huy rất tốt vai trò tham gia của MTTQ, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động, hòa giải tại cơ sở. Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, đóng góp xây dựng có hiệu quả vào việc lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ đó, đã hạn chế đáng kể việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.

- Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chỉ đạo sẽ thực hiện nhằm góp phần giữ vững sự bình yên của Thủ đô?

- Năm 2019 Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU xác định là năm “hành động” với tinh thần chủ động rà soát, phân loại và xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc còn đang tồn đọng, củng cố dứt điểm các cơ sở yếu kém. Các vụ việc mới phát sinh phải được từng cấp ủy, chính quyền từ cơ sở nắm bắt, đối thoại, tuyên truyền giải quyết ngay từ cơ sở, tuyệt đối không để phát sinh thành điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự; mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin, phản ánh của các tổ chức và nhân dân về các vụ việc tiêu cực, sai phạm của cán bộ trên địa bàn thành phố. Ban Chỉ đạo sẽ chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân người đứng đầu để đơn vị, địa bàn xảy ra nhiều sai phạm, tồn đọng kéo dài, khiếu kiện tập trung đông người trái pháp luật.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cơ sở tăng cường công tác hòa giải đồng thời giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, vụ việc tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở, Ban Chỉ đạo sẽ yêu cầu công an các địa phương chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo; nắm bắt và ngăn chặn kịp thời âm mưu lợi dụng các vụ việc khiếu nại, tố cáo và các vấn đề dân sinh bức xúc để kích động nhân dân khiếu kiện, tập trung đông người trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, quy định về trách nhiệm đối thoại với tổ chức và công dân, quy định công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; lấy hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo các cấp cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong lĩnh vực dễ phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp như quy hoạch, đầu tư, xây dựng phát triển đô thị; quản lý đất đai, trật tự xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng... khi phát hiện sai phạm phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo sẽ chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững sự bình yên của Thủ đô.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sâu sát, kịp thời giải quyết vướng mắc của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.