Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Chính phủ nêu 5 "bài toán” cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hồng Sơn| 19/02/2019 14:56

(HNMO) - Đây là nội dung được nhấn mạnh tại cuộc làm việc ngày 19-2 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nổi bật là việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Tập thể người lao động chủ động hơn trong công tác chuyên môn, với tinh thần trách nhiệm, cầu thị.


Bộ KH&ĐT đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, kế hoạch và quy hoạch, soạn thảo các nghị quyết, nội dung một số luật như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư... Những hoạt động của Bộ đã đóng góp tích cực vào việc hình thành Chính phủ kiến tạo, vì doanh nghiệp. Năm qua, Việt Nam đạt kết quả cao về thu hút doanh nghiệp dân doanh thành lập mới và vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế vĩ mô ổn định và nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao là những ấn tượng đáng ghi nhận. 


Đặc biệt, Bộ KH&ĐT đã tham mưu, đề xuất cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, trong đó cắt giảm 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm và đơn giản hóa 50% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng xuất khẩu...


Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, năm 2019, Bộ sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; trong đó có các nội dung như: Phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân; nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch về cơ chế, chính sách...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kết quả hoạt động, đóng góp thiết thực của Bộ KH&ĐT thời gian qua và nhấn mạnh vai trò tham mưu, điều hành. Bên cạnh đó, Bộ cần tập trung khắc phục những tồn tại cũng như phát huy kết quả đạt được để tham gia vào một Chính phủ kiến tạo, vì dân; trong đó chú trọng việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Các cơ quan hữu quan cần xác định rõ và tự trả lời câu hỏi “tăng trưởng vì ai?”.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cần tập trung cải cách hơn nữa, hoàn thiện thể chế và xóa bỏ tâm lý xin - cho trong thực thi nhiệm vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.


Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục sớm. Cụ thể, Bộ KH&ĐT phải thường xuyên cập nhật thông tin, xu hướng và diễn biến mới của thế giới, nhất là về công nghệ, nhằm phục vụ tăng trưởng nhanh; tăng cường công tác quản lý, đánh giá đúng thực trạng đầu tư công; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để cải thiện chất lượng đầu tư công.

Đồng thời, Bộ KH&ĐT cần làm tốt hơn công tác xây dựng văn bản pháp luật theo hướng bảo đảm chất lượng và phù hợp với yêu cầu; tập trung nghiên cứu, đưa ra những đề án, biện pháp cần thiết nhằm giải quyết thỏa đáng các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế; khắc phục việc thiếu những nghiên cứu, báo cáo có chất lượng cao, sâu sắc, xứng tầm với yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ; tập trung tuyển chọn, chủ động cơ cấu các cán bộ có trình độ, tâm huyết và có quyết tâm cải cách...


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý một số thách thức, gồm: Kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể gây ảnh hưởng đến Việt Nam. Bộ KH&ĐT phải có giải pháp ứng phó để giảm thiểu rủi ro, phát huy tiềm năng đất nước.

Thủ tướng đơn cử kết quả khả quan của ngành nông nghiệp trong năm qua để các đơn vị quan tâm, tham khảo. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cần nâng cao tinh thần cầu thị, tự giác vì mục tiêu phát triển kinh tế, hết sức tránh tư tưởng “cuối nhiệm kỳ” hoặc “dễ làm, khó bỏ”, thiếu bản lĩnh trong thực thi công vụ.


Sau cùng, Thủ tướng nêu 5 "bài toán” cho Bộ KH&ĐT cần tìm lời giải. Đó là: Làm tốt công tác tham mưu, tập trung vào bứt phá trong năm 2019 và các năm tiếp theo; đột phá trong thể chế, triệt để cải cách nhằm tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp; nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau, tiến tới mục tiêu tự cường và thịnh vượng của nền kinh tế cũng như chủ động phòng tránh bẫy thu nhập trung bình; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nhanh chóng nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam đạt mức ASEAN 4; bảo đảm kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, tìm cách hiện thực hóa mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 với những đề xuất khả thi, cụ thể từ phía Bộ KH&ĐT.

Nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, Thủ tướng kêu gọi tinh thần tự lực, nuôi dưỡng khát vọng đi tới thịnh vượng của mỗi cơ quan, cán bộ, người dân. Đặc biệt, cần tìm cách duy trì mức tăng trưởng cao, khoảng 7%/năm và liên tục nhiều năm để rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế phát triển trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ nêu 5 "bài toán” cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.