Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Dấu ấn đổi mới

Quốc Bình| 28/02/2019 08:27

(HNM) - Trải qua gần 90 năm công tác tư tưởng của Đảng và 70 năm xây dựng và phát triển, cơ quan Tuyên giáo của Đảng bộ Hà Nội đã có những tên gọi khác nhau, nhiều lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng.

Hội nghị tuyên giáo 3 tỉnh, thành phố Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (lần thứ VII) tổ chức tại Hà Nội, năm 2001. Ảnh tư liệu


1. Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối. Ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị khóa III ra Nghị quyết số 245-NQ/TƯ hợp nhất tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Ngay sau khi hợp nhất, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã nhanh chóng kiện toàn, củng cố các bộ phận chuyên môn. Ở Hà Nội, Ban Tuyên giáo cũng đổi tên thành Ban Tuyên huấn, tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng trong thời kỳ mới.

Những năm 1975-1985, đất nước gặp muôn vàn khó khăn do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, chiến tranh xảy ra ở hai đầu biên giới Tây Nam và phía Bắc, do cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp kéo dài. Trong hoàn cảnh ấy, cán bộ, chuyên viên, nhân viên Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đã vượt qua mọi khó khăn, bảo đảm các mặt công tác trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng của Đảng bộ.

Công tác tuyên huấn đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thấu suốt thực trạng kinh tế đất nước, của tỉnh và thành phố sau những năm chiến tranh; các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; khơi dậy truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự hào và trách nhiệm của mọi người dân đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, quê hương... Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có bước phát triển mới.

Cùng với việc chú trọng chương trình giáo dục lý luận chính trị, Ban đã tham mưu cho Thành ủy, Tỉnh ủy mở rộng chương trình quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, đưa chương trình học tập nghị quyết tới cơ sở. Công tác văn hóa - văn nghệ đã cố gắng bám sát các nhiệm vụ chính trị của thành phố, của tỉnh, phục vụ tốt các đợt tuyên truyền tập trung, các ngày kỷ niệm lớn…

2. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986) đề ra đường lối đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nhằm đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng. Trong hoàn cảnh mới, Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đã tập trung cao độ nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là về đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Công tác chính trị tư tưởng càng được đẩy mạnh, nhất là sau sự kiện Liên Xô và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã.

Cán bộ, chuyên viên, nhân viên các Ban Tuyên giáo đã đồng tâm nhất trí phối hợp với các ngành, các cấp triển khai tuyên truyền chống những luận điệu xuyên tạc, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch, đề cao tinh thần cảnh giác trong cán bộ và nhân dân.

Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Hà Nội và Đảng bộ Hà Tây (tỉnh Hà Sơn Bình tách thành tỉnh Hà Tây và Hòa Bình từ tháng 10-1991), cả hai Ban Tuyên giáo đã tham mưu cho cấp ủy tổ chức, chỉ đạo, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, nhất là những quan điểm đổi mới, cương lĩnh chính trị và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây đã tích cực phổ biến thông tin, mở hội nghị báo cáo viên, nói chuyện thời sự; chỉ đạo tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm củng cố niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bên cạnh việc tổ chức quán triệt nghị quyết đại hội Đảng các cấp, hai Ban Tuyên giáo đã chú trọng tuyên truyền các chương trình kinh tế - xã hội của Thành ủy, Tỉnh ủy, sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, xây dựng quản lý đô thị và các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, dân số kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa. Ban Tuyên giáo Thành ủy, Tỉnh ủy đã quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Thành ủy, Tỉnh ủy về công tác tư tưởng và giải quyết những bức xúc đặt ra, tạo khí thế đoàn kết, nhất trí.

Trong giai đoạn 1991-1995, công tác tuyên giáo đã có những đóng góp to lớn vào sự ổn định chung của TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây. Không chỉ vững vàng trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, ngành Tuyên giáo hai Đảng bộ còn khơi dậy các phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Ngày 7-5-1996, diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng bộ TP Hà Nội. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác tư tưởng trong 5 năm tới là: Không ngừng nâng cao chất lượng công tác tư tưởng nhằm góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy nhanh phát triển kinh tế và xây dựng quản lý đô thị phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội.

Trong khi đó, công tác tư tưởng, tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Hà Tây tiếp tục thực hiện với quyết tâm giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng không dao động xa rời mục tiêu.

Trong những năm tiếp theo trước khi bước vào thế kỷ XXI, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Tây đã hướng mạnh về cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chú trọng đưa những nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng mang lại hiệu quả thiết thực về giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Từ năm 2001 đến tháng 7-2008, công tác tuyên giáo bước vào những năm đầu của thế kỷ XXI với những vận hội và thách thức mới. Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiếp tục quán triệt sâu sắc phương hướng “Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Chính vì vậy, trong bất cứ tình huống khó khăn nào, cán bộ Ban Tuyên giáo cũng không dao động hay xa rời mục tiêu lý tưởng và con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; bảo vệ vững chắc lập trường quan điểm Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là cơ sở để các cấp, các ngành thực hiện những nhiệm vụ về mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cả về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; an ninh quốc phòng toàn dân; công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội, sao cho ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng, để các tầng lớp nhân dân đoàn kết phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu do Đảng đề ra.

Cho tới trước khi Hà Nội và Hà Tây thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, mặc dù thuộc hai địa phương khác nhau, nhưng hệ thống Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Hà Tây và Đảng bộ TP Hà Nội có sự tương đồng nhất định.

Đó là tinh thần và quyết tâm đổi mới, không ngừng nỗ lực vươn lên, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào thành tích chung của hai địa phương. Đó chính là một trong những tiền đề quan trọng để Hà Nội, Hà Tây và các tỉnh có liên quan thực hiện thành công Nghị quyết 15/2008/QH12, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiến tạo một không gian phát triển có ý nghĩa lịch sử cho Thủ đô Hà Nội.

(Bài viết sử dụng tư liệu do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cung cấp)

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Dấu ấn đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.